Ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép - Kỳ II: Lời cảnh tỉnh cho những người cố tình xuất nhập cảnh trái phép
BHG - Vì cuộc sống mưu sinh hoặc nghe theo lời dụ dỗ về giấc mộng đổi đời phía bên kia biên giới, đã có hàng nghìn người cố tình vượt biên trái phép. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, họ vỡ mộng việc làm, sống những tháng ngày chui lủi để rồi hối hận muộn màng khi vi phạm quy định về XNC.
Phóng viên Báo Hà Giang trao đổi thông tin với hai công dân nhập cảnh trái phép. |
Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Đặng Hải Như, Phó trưởng Đồn Biên phòng Xín Cái cho biết: Từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, phía nước bạn tiến hành phong tỏa, truy quét, thu gom lực lượng lao động đẩy về các địa phương. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các công xưởng phía Trung Quốc dồn ứ hàng hóa, cùng với tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến hàng hóa không xuất được nên các công ty, nhà máy nước bạn cắt giảm nhân công, trong đó cắt giảm nhiều người Việt Nam. Điều này làm cho tình hình XNC qua biên giới phức tạp; hàng nghìn người vượt biên bị các lực lượng chức năng bắt giữ và yêu cầu thực hiện cách ly theo quy định, gây áp lực cho các đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống dịch.
Ở một chiều hướng khác, các tỉnh Giang Tô, Phúc Kiến (Trung Quốc) là hai địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh nên nhu cầu sử dụng lao động tăng cao. Vì vậy, tình trạng lao động tự do qua biên giới có xu hướng gia tăng; không chỉ dừng lại ở việc xuất cảnh trái phép đơn thuần nhằm mục đích lao động kiếm tiền mà đã và đang hình thành những đường dây lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, nhận thức hạn chế của công dân thông qua sử dụng mạng xã hội như Webchat, Facebook, Zalo… để dụ dỗ, lôi kéo, môi giới và tổ chức đưa người khác xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc nhằm thu lợi bất chính. Các đối tượng hướng dẫn người vượt biên đến thành phố Hà Giang rồi đi lên huyện Mèo Vạc; khi đến thị trấn Mèo Vạc có người liên hệ đón sang Trung Quốc. Sau khi các công dân xuất cảnh trái phép thành công, mỗi người sẽ phải trả số tiền từ 7 – 8 triệu đồng cho nhóm người dẫn đường vượt biên.
Trong mấy tháng gần đây, Đồn Biên phòng Xín Cái liên tiếp phát hiện công dân XNC trái phép; trong đó có vụ việc Vừ Mí Lừ, sinh năm 1990, dân tộc Mông, trú tại thôn Bản Chuối, xã Xín Cái móc nối dẫn 14 người vượt biên trái phép. Qua đấu tranh khai thác, Lừ là người trực tiếp nhận thông tin, liên lạc với người trong nhóm muốn vượt biên, sau đó hướng dẫn nhóm người xuống xe khách tại thị trấn Mèo Vạc và lập kế hoạch, phân công người vận chuyển đến khu vực bờ sông Nho Quế để ẩn nấp đợi trời tối; phân công người mua cơm suất và lấy mảng chở các đối tượng qua sông nhằm trốn sự phát hiện và bắt giữ của lực lượng chức năng; ý đồ đưa nhóm người đến ngã ba Xín Cái, đường đi vào xã Thượng Phùng để đi theo đường rừng vượt biên sang Trung Quốc. Trong số các nạn nhân, có nhiều trường hợp là công dân ở các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Cao Bằng, Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bến Tre… vì nghe theo lời dụ dỗ của một số đối tượng đã tìm cách lên huyện Mèo Vạc để vượt biên trái phép; có những người vì mất việc làm phải quay trở về. Hành vi tập trung, chuẩn bị vượt biên trái phép gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự và vi phạm pháp luật về XNC.
Tại khu cách ly Đồn Biên phòng Xín Cái, Võ Thị Thanh Thúy, sinh năm 1991, trú tại quận Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều ngày mất ngủ; nước mắt chảy dài trên khuôn mặt nhợt nhạt, Thúy kể về những chuỗi ngày cơ cực trèo núi vượt biên: “Nghe theo lời giới thiệu sang Trung Quốc có việc làm, thu nhập vài chục triệu một tháng nên em vay mượn tiền của người thân, gửi 3 đứa con nhỏ ở quê để mong thoát nghèo. Sau khi vượt biên trót lọt qua đường mòn tỉnh Lào Cai, sang nước bạn không tìm được việc làm nên đành phải quay về. Cũng may có người Việt Nam bên đó giúp đỡ cho gói mỳ, cái áo nếu không em cũng không sống được để trở về. Liên hệ người đưa về biên giới, nhóm bọn em đã phải sống chui lủi, lúc ở nương ngô, lúc trong hang đá. Khi các anh biên phòng phát hiện đưa về khu cách ly, chúng em lại cảm thấy may mắn vì được chăm sóc tốt”. Tương tự, Nguyễn Thị Bích Cảnh, sinh năm 1995, quê tỉnh Bình Thuận ôm giấc mộng đổi đời sang bên kia biên giới; nhưng chưa đầy một tuần phải quay về vì không có việc làm và hết tiền sinh sống. Cảnh nghẹn ngào: “Em sợ lắm rồi! Đói rét trên chặng đường vượt biên đã giúp em trân trọng cuộc sống hơn. Nếu bây giờ có ai rủ hay trả lương cao đến mấy em cũng không đi nữa”.
Đó là lời tâm sự, hối hận muộn màng của hai trong số hàng trăm người đang thực hiện cách ly tại các điểm trên tuyến biên giới Mèo Vạc. Câu chuyện của họ là lời cảnh tỉnh cho những ai còn có ý định vượt biên trái phép, bởi không chỉ nguy hiểm đến tính mạng mà còn gây hệ lụy đến gia đình và xã hội.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Kỳ cuối: Siết chặt toàn tuyến biên giới
[links()]