Gỡ khó cho hoạt động quản lý thị trường
BHG - Chống buôn lậu (BL), gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả (HG) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần ổn định an ninh – chính trị, KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ trên và làm tròn sứ mệnh bảo vệ người tiêu dùng, làm sạch môi trường kinh doanh, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) của tỉnh đã, đang đối diện không ít khó khăn.
Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Giang. |
Chia sẻ về điều này, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Hà Giang, Vũ Quốc Khánh cho biết: Tỉnh ta có đường biên giới dài trên 277 km tiếp giáp nước bạn Trung Quốc. Trong khi địa bàn rộng, đồi núi hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, lũ thì biên chế một số Đội QLTT các huyện chỉ có từ 4 – 5 người. Mặt khác, không ít tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (SXKD) nằm rải rác ở vùng sâu, vùng xa. Thực tế này khiến lực lượng QLTT gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức tuyên truyền, ký cam kết đến từng tổ chức, cá nhân SXKD hoặc thực hiện song hành nhiệm vụ chính trị tại địa phương và tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành do tỉnh, huyện tổ chức. Bên cạnh đó, công cụ, phương tiện trang bị phục vụ hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên các lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu, không đảm bảo để truy đuổi và khống chế các đối tượng vi phạm. Hơn nữa, trong công tác kiểm tra, kiểm soát chống BL, GLTM và HG, lực lượng QLTT không có chức năng dừng phương tiện đang lưu thông nên không thể ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật… Còn chi phí mua mẫu, kiểm nghiệm mẫu để xác định chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa được bố trí kinh phí thực hiện; trong khi chi phí giám định hàng hóa cao đã ảnh hưởng lớn đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm. Đơn cử như 1 sản phẩm nước uống đóng chai chỉ có giá 3 – 5 nghìn đồng nhưng khi thực hiện giám định phải cần đến 3,5 triệu đồng.
Cùng với khó khăn trên, tại các phiên chợ vùng sâu, xa, vùng cao, biên giới do nhận thức của người dân chưa đồng đều nên vẫn còn tình trạng lén lút kinh doanh mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tân dược không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng hóa được bày bán nhỏ lẻ gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa thực sự vào cuộc, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Một số ngành có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nhưng thực thi còn hạn chế… Từ đó, dẫn đến việc thiếu các giải pháp đồng bộ để đấu tranh một cách hiệu quả trong công tác chống BL, GLTM và HG…
Không chỉ có khó khăn trên, điều kiện cơ sở vật chất của không ít đơn vị còn thiếu và yếu. Hiện nay, hành vi BL, GLTM và HG diễn ra ngày một tinh vi, phức tạp, có tổ chức, quy mô và số hàng hóa tịch thu từ các vụ việc vi phạm lớn. Nhưng lực lượng QLTT chưa được đầu tư xây dựng kho, bãi chứa hàng hóa khi tiến hành kiểm tra, xử lý các vụ việc hàng lậu, HG, hàng cấm, đặc biệt là mặt hàng ảnh hưởng đến môi trường mà phải tiến hành tạm giữ, tịch thu, như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Chia sẻ thêm về điều này, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Nguyễn Thế Tuấn, cho biết: Từ khi thành lập Đội (năm 1995) đến nay, đơn vị vẫn chưa được bố trí trụ sở làm việc mà phải mượn phòng làm việc của cơ quan chuyên môn, do UBND thành phố Hà Giang bố trí. Đơn vị có 10 cán bộ nhưng chỉ có 3 phòng làm việc. Phòng làm việc vốn đã thiếu nay lại kiêm thêm chức năng… nhà kho chứa hàng hóa tạm giữ, tịch thu. Khi phòng làm việc “đa năng” quá tải, buộc đơn vị phải thuê hoặc mượn kho, bãi để lưu hàng hóa. Tương tự như vậy, Đội QLTT số 9 cũng rơi vào cảnh phòng làm việc chất đầy hàng hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường công sở.
Dù đối diện không ít khó khăn trong thực thi công vụ, nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng QLTT đã tổ chức triển khai thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và bám sát các văn bản chỉ đạo của Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, BCĐ 389 Hà Giang trong công tác phòng, chống BL, GLTM và HG; nắm bắt tốt tình hình thị trường, giá cả các mặt hàng, các đối tượng, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, vận động tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không tham gia mua, bán hoặc tiếp tay cho BL, GLTM và HG… Do đó, hoạt động BL, GLTM và HG trên địa bàn tỉnh không diễn biến phức tạp, không phát sinh điểm nóng về BL. Đặc biệt, lực lượng QLTT đã kiểm tra 651 vụ, xử lý vi phạm hành chính 506 vụ với 571 hành vi vi phạm (giảm 172 vụ so với cùng kỳ năm 2019); thu nộp Kho bạc Nhà nước số tiền gần 1,8 tỷ đồng…
Quyền Cục trưởng Cục QLTT Hà Giang, Vũ Quốc Khánh chia sẻ thêm: Thời gian qua, đơn vị đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, cán bộ, trực tiếp tham gia kiểm tra, kiểm soát, chống BL, GLTM và HG; để từng bước nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn cho đội ngũ thực thi công vụ. Để đấu tranh chống BL, GLTM và HG đạt hiệu quả cao, ngành QLTT cần sự chung tay gỡ khó của cấp có thẩm quyền cùng sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị hữu quan… Sự chung tay này sẽ góp phần ổn định thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thương nhân, thúc đẩy phát triển nền sản xuất hàng hóa và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG