Các quy định của pháp luật về xử lý hành vi khai báo y tế không trung thực
BHG - Khai báo y tế phục vụ phòng chống dịch, đòi hỏi sự tự giác, sự vào cuộc của mỗi cá nhân vì sức khỏe bản thân và cộng đồng. Việc làm này nhằm giúp phát hiện sớm, giúp cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời trong trường hợp có ca bệnh, đồng thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Người khai báo phải chịu trách nhiệm về tính trung thực khi khai báo. Nếu khai báo không trung thực, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cán bộ y tế kiểm tra thân nhiệt cho du khách vào thành phố Hà Giang. ảnh: Phan Mạnh |
Xử lý hành chính: Theo quy định tại Điều 47, Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25.6.2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm về kiếm dịch y tế biên giới tất cả người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chủ phương tiện vận tải và chủ hàng đều phải có trách nhiệm chủ động khai báo về tình trạng sức khỏe bất thường với tổ chức kiểm dịch y tế biên giới nơi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh. Thực hiện khai báo đầy đủ, chịu trách nhiệm về nội dung khai báo y tế quy định; không được làm, sử dụng tờ khai y tế giả mạo. Chấp hành việc kiểm tra y tế, xử lý y tế của tổ chức kiểm dịch y tế biên giới. Chi trả giá dịch vụ kiểm dịch y tế theo qui định hiện hành.
Du khách vào Hà Giang đang được cán bộ y tế lấy thông tin y tế cá nhân tại chốt cầu Trì, Bắc Quang . ảnh: Phan Mạnh |
Đối với những người vi phạm quy định về kiểm dịch y tế biên giới sẽ bị xử phạt các mức nặng nhẹ khác nhau. Cụ thể, theo Điều 12 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, các mức phạt tương ứng như phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi, không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới theo quy định; Từ chối kiểm tra y tế đối với đối tượng phải kiểm dịch y tế.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi, không chấp hành hướng dẫn thực hiện kiểm tra thực tế của kiểm dịch viên y tế đối với đối tượng phải kiểm dịch y tế; không báo tín hiệu xin kiểm dịch y tế theo quy định của pháp luật đối với chủ phương tiện vận tải đường thủy nhập cảnh; không thực hiện biện pháp chống chuột và trung gian truyền bệnh khác trên phương tiện vận tải khi các phương tiện đó đỗ, neo đậu vào ban đêm hoặc quá 24 giờ tại khu vực cửa khẩu, khu vực kiểm dịch y tế theo quy định của pháp luật; không liên lạc bằng vô tuyến điện cho tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tại cửa khẩu trước khi tàu bay hạ cánh trong trường hợp hành khách hoặc phi hành đoàn trên chuyến bay có triệu chứng hoặc có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi, sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung giấy chứng nhận kiểm dịch y tế; vận chuyển thi hài, hài cốt, tro cốt, chế phẩm sinh học, vi trùng, mô, bộ phận cơ thể người, máu và các thành phần của máu qua cửa khẩu mà chưa được tổ chức kiểm dịch y tế kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế; che giấu hoặc xóa bỏ hiện trạng phải kiểm dịch y tế.
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi, không thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, xử lý y tế đối với người, phương tiện vận tải, hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; giả mạo giấy chứng nhận kiểm dịch y tế.
Xử lý hình sự: Người biết bản thân mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo hoặc khai báo không trung thực dẫn đến lây lan dịch bệnh cho người khác có thể bị xử lý hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 12 năm.
Trần Hải Dương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp (Biên soạn)
Ý kiến bạn đọc