Bất cập trong phân cấp tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ
BHG- Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 4.1.2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát (TTKS) của CSGT đường bộ được một số địa phương đánh giá phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, đối với địa bàn như tỉnh ta, việc phân cấp tuyến, địa bàn TTKS và xử lý vi phạm hành chính (VPHC) về trật tự ATGT đường bộ theo Thông tư này đang lộ rõ nhiều bất cập. Qua thực tế cho thấy, nếu không linh hoạt trong tổ chức thực hiện sẽ gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng CSGT ở các huyện, thành phố.
Lực lượng CSGT đo đạc hiện trường, xử lý ùn tắc một vụ va chạm giao thông trên tuyến QL4C. |
Lộ rõ nhiều bất cập
Thông tư 01 quy định các tuyến đường cao tốc do Cục CSGT quản lý; các tuyến đường Quốc lộ (QL) giao Công an cấp tỉnh quản lý; trong đó, căn cứ tình hình thực tế công tác bảo đảm trật tự ATGT trên đoạn QL đi qua địa giới hành chính quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện, Phòng CSGT tham mưu Giám đốc Công an tỉnh có kế hoạch bố trí lực lượng của Phòng CSGT chủ trì, phối hợp với CSGT Công an cấp huyện TTKS và xử lý VPHC về trật tự ATGT theo quy định; đối với Công an cấp huyện, tổ chức hoạt động TTKS và xử lý VPHC về trật tự ATGT trên các tuyến đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng trong phạm vi địa giới hành chính; đường tỉnh, đường đô thị theo quyết định phân công, phân cấp của Giám đốc Công an tỉnh.
Qua tìm hiểu, thực hiện theo Thông tư 01, Công an tỉnh đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-CAT-PC67 ngày 8.4.2016 về quy định phân công trách nhiệm, phân cấp tuyến, địa bàn TTKS và xử lý về trật tự ATGT đường bộ và Kế hoạch số 1456/KH-CAT-PC67 ngày 25.4.2016 về phối hợp thực hiện công tác TTKS, xử lý vi phạm trật tự ATGT, trật tự xã hội trên tuyến QL2, QL4C. Thượng tá Nguyễn Văn Quỳnh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Hiện nay, Phòng CSGT Công an tỉnh chỉ quản lý tuyến QL2 và QL4C; riêng tuyến QL279 và QL34 giao cho Công an các huyện trên tuyến quản lý. Qua thực tế cho thấy, mặc dù Phòng CSGT đã chia các tổ để thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn chưa thể khép kín địa bàn quản lý do các tuyến giao thông trải dài, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ TTKS, xử lý vi phạm còn mỏng; đối với tuyến vùng cao, lực lượng CSGT thuộc Phòng CSGT gặp khó khăn về chỗ ăn, nghỉ; phía Phòng CSGT đã có sự phối hợp với Công an các huyện nhưng chưa thường xuyên chặt chẽ, đồng bộ. Đặc biệt, tuyến QL4C đi qua các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc có địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nên việc đảm bảo trật tự ATGT trên tuyến nhiều lúc chưa kịp thời. Đây được xác định là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông trên địa bàn trong năm 2016.
Gây khó cho CSGT cấp huyện
Theo Quyết định phân công số 1248 và Kế hoạch số 1456 của Công an tỉnh, lực lượng CSGT Công an các huyện chỉ được phép TTKS và xử lý VPHC về trật tự ATGT trên các tuyến đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng trong phạm vi địa giới hành chính; đường tỉnh, đường đô thị. Đối với các tuyến QL chạy qua địa bàn các huyện, CSGT Công an huyện không đủ thẩm quyền để xử lý. Điều này không chỉ gây khó cho CSGT cấp huyện mà còn là “kẽ hở” để các đối tượng vi phạm giao thông qua mặt cơ quan chức năng.
Cách đây chưa lâu, lực lượng CSGT đặt Trạm cân kiểm tra trọng tải xe ở địa bàn xã Minh Tân (Vị Xuyên). Tuy nhiên, khi đến trước vị trí cân trọng tải, các tài xế san tải sang các xe nhỏ hơn và vượt khỏi tầm kiểm soát của Trạm kiểm tra trọng tải xe; nhưng chỉ qua đó vài trăm mét các xe lại dồn hàng vào xe tải trọng lớn, tiếp tục chở hàng quá tải theo QL4C mà không gặp khó khăn gì. Được biết, một số huyện đã tham mưu, đề xuất với Ban ATGT huyện đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện để lực lượng CSGT huyện xử lý vi phạm nhưng không đủ thẩm quyền do bị “vướng” Thông tư 01. Điều đáng nói, không ít lái xe biết được phân cấp tuyến quản lý nên “vô tư” vi phạm, thậm chí có thái độ thách thức, giỡn mặt lực lượng CSGT huyện. Để tạo thuận lợi, đảm bảo công tác TTKS và xử lý vi phạm về trật tự ATGT được thường xuyên, liên tục, các huyện đề xuất giao tuyến QL4C cho Công an các huyện trên tuyến quản lý.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Phạm Công Thăng, Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Quản Bạ cho biết: “Ngoài thời gian phối hợp với Phòng CSGT, lực lượng CSGT huyện thiếu trang thiết bị hoặc nếu không có ủy quyền thì không được xử lý vi phạm về trật tự ATGT trên tuyến QL. Do đó, công tác TTKS trên tuyến QL chưa được liên tục và khiến cho lực lượng CSGT huyện bị động về thời gian”. Đồng quan điểm này, đồng chí Nguyễn Viết Văn, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Yên Minh cho rằng: “Việc phân công trách nhiệm, phân cấp tuyến, địa bàn TTKS và xử lý về trật tự ATGT đường bộ như hiện nay đối với đặc thù vùng cao chưa hợp lý. Mặc dù tình hình vi phạm ATGT trên tuyến QL có chiều hướng tăng nhưng cấp huyện không được phép tuần tra độc lập. Do đường đi lại xa nên khi xảy ra các sự việc trên tuyến QL như sạt lở, ùn tắc, tai nạn... lực lượng CSGT huyện tham gia xử lý theo tinh thần giúp đỡ lẫn nhau”.
Mới đây, Phòng CSGT Công an tỉnh đang tăng cường, bổ sung thêm quân số và triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo kín địa bàn. Tuy nhiên, để không gây khó cho lực lượng CSGT cấp huyện và hạn chế những bất cập trong việc thực hiện Thông tư 01, thiết nghĩ cần có các biện pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế địa hình của một tỉnh vùng cao.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc