Tham gia đa cấp May ít, rủi nhiều
BHG- Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 doanh nghiệp được Sở Công thương tỉnh xác nhận hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định. Phần lớn các doanh nghiệp có thông báo hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không có trụ sở chính, hoặc địa điểm kinh doanh cụ thể tại địa bàn tỉnh. Một số doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức ký hợp đồng đại lý, ký gửi hàng hoá, hưởng chiết khấu với các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn. Hình thức hoạt động chủ yếu của các doanh nghiệp này là các cá nhân có nhu cầu bán hàng đa cấp hoặc mua sản phẩm của các doanh nghiệp đến ký hợp đồng hợp tác bán hàng với doanh nghiệp theo mẫu đã in sẵn và nhận sản phẩm trực tiếp, một số doanh nghiệp hoạt động theo hình thức bán các sản phẩm dinh dưỡng cho người tiêu dùng kèm theo tư vấn sức khoẻ. Hàng hoá các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn chủ yếu có xuất xứ từ nước ngoài, như: Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng may mặc, hàng kim khí điện máy, hàng gia dụng, dụng cụ massage; trong đó, các mặt hàng tiêu thụ nhiều nhất là các sản phẩm thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, điện máy. Khách hàng chủ yếu mà các công ty bán hàng đa cấp hướng tới và tiếp cận rất đa dạng, bao gồm: Cán bộ nghỉ hưu, những người có uy tín trong xã hội, cán bộ công tác trong cơ quan Nhà nước, những người có điều kiện kinh tế và phát huy được khả năng tư vấn, lôi kéo người tham gia; người dân ở vùng sâu, vùng xa, hạn chế về trình độ nhận thức, không am hiểu các quy định của pháp luật, muốn làm giàu nhanh chóng thông qua việc đầu tư, tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp.
Qua công tác kiểm tra, nắm tình hình; cơ quan chức năng xác định một số công ty kinh doanh đa cấp trên địa bàn tỉnh ta có dấu hiệu gian dối, thu lợi bất chính từ hoạt động kinh doanh như Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy và Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam (gọi tắt là Liên Kết Việt). Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tiến hành điều tra một phần vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên Kết Việt theo quyết định uỷ thác điều tra của Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an). Kết quả điều tra, xác định: Trên 400 người có hộ khẩu thường trú tại địa bàn tỉnh ta tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của Liên Kết Việt, với tổng số tiền nộp là trên 12 tỷ đồng. Với nội dung tuyên truyền: Liên Kết Việt là Công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng, nếu tham gia mua một mã hàng sẽ được nhận sản phẩm đủ số tiền mua một mã và được nhận tiền hoa hồng hàng tháng, không cần làm việc vẫn có tiền. Tại Văn phòng đại diện Liên Kết Việt ở Hà Giang có treo ảnh của Lê Xuân Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên Kết Việt mặc trang phục quân đội chụp ảnh cùng các đồng chí Lãnh đạo cấp cao ở Trung ương và các vị tướng Quân đội để quảng cáo, thuyết trình nguồn gốc sản phẩm hàng hoá do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhằm tạo sự tin tưởng cho khách hàng tham gia nộp tiền mua hàng và mã sản phẩm. Đồng thời, tuyên truyền quảng cáo nhiều chương trình khuyến mại, trả hoa hồng, tiền thưởng rất cao để người tham gia mua mã hàng lôi kéo nhiều người thân tham gia nộp tiền để chiếm đoạt.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều hợp lý hoá về mặt hồ sơ, chứng từ, cụ thể: Hàng hoá kinh doanh theo phương thức đã cấp cơ bản có xuất xứ từ nước ngoài được nhập khẩu có hoá đơn, dán tem nhãn phụ theo quy định về hàng hoá, các mặt hàng sử dụng kinh doanh đúng với danh mục hàng hoá đã đăng ký với Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương; các thông báo thay đổi nội dung kinh doanh, báo cáo định kỳ đều gửi đến Sở Công thương Hà Giang theo quy định của pháp luật. Về hợp đồng hợp tác bán hàng, người tham gia đã được đọc, nghiên cứu và tự nguyện ký kết hợp đồng. Bản chất là thu tiền của người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp nhưng trên thực tế số tiền này được thể hiện bằng phiếu hoặc hoá đơn đặt hàng và người tham gia vẫn được nhận sản phẩm; việc tuyên truyền về hình thức kinh doanh, trả lương, trả thưởng và công dụng hàng hoá được trao đổi theo nhóm, hoặc qua chuyên viên giới thiệu, không thể hiện trên văn bản. Bên cạnh đó, những người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp đều đã tự nguyện ký hợp đồng với các công ty kinh doanh đa cấp; trong đó đã quy định rõ các điều khoản cụ thể liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, vì thế sau khi mua sản phẩm hoặc tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp mặc dù nhận ra bản thân đã mất tiền nhưng do tâm lý xấu hổ hoặc không tìm được người có trách nhiệm để yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng nên không kiến nghị hoặc tố cáo đến các cơ quan chức năng; nhiều trường hợp từ chối cung cấp thông tin và làm việc với cơ quan điều tra. Điều này gây khó khăn cho cơ quan Công an trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý bằng hình sự đối với các vi phạm liên quan đến kinh doanh đa cấp.
Nhằm quản lý chặt chẽ và phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp; cơ quan chức năng cần làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, quyết liệt trong việc triển khai các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này để người dân nâng cao cảnh giác, không tham gia vào các hoạt động kinh doanh đa cấp, nhằm tránh các thiệt hại cho chính bản thân và gây mất an ninh trật tự trong xã hội.
Bảo Nam
Ý kiến bạn đọc