Thanh tra gắn với tuyên truyền, quản lí lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ
BHG - Thời gian qua trong cả nước, vấn đề chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ (VTSMN) là điều được các cơ quan chức năng và người tiêu dùng quan tâm khi chất lượng và sự minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh loại mặt hàng này vẫn còn nhiều dấu hỏi. Chính vì vậy, kiểm soát, quản lý việc sản xuất, kinh doanh lĩnh vực VTSMN là điều hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN), của tỉnh về công tác thanh tra chuyên đề năm 2016, Sở KH&CN đã ban hành Quyết định số 70/QĐ-SKHCN, ngày 14.7.2016 về việc thanh tra chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh VTSMN.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Mai Hoàng Hiệp, Chánh Thanh tra Sở KH&CN, cho biết: Là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn về KT - XH, dân cư phân bố không đồng đều. Việc kinh doanh, buôn bán vàng TSMN không lớn và không nhiều. Điều này, được thể hiện qua việc cả tỉnh có 11 huyện, thành phố thì chỉ có 4 huyện, thành phố có kinh doanh VTSMN, nhưng số lượng ít, chủ yếu là bạc.
Kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ tại cửa hàng vàng bạc Tuấn Dũng, thành phố Hà Giang. |
Trong đợt kiểm tra chuyên đề VTSMN được tiến hành hồi tháng 7 vừa qua, Sở KH&CN chủ trì phối hợp với các đơn vị như Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Giang, Sở Công thương, Công an tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Giang, Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố tiến hành thanh tra về đo lường đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh VTSMN. Qua thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở kinh doanh VTSMN ở tỉnh ta không chỉ bán sản phẩm do cơ sở sản xuất mà còn kinh doanh nhiều loại sản phẩm vàng trang sức do các đầu mối khác trong và ngoài tỉnh cung cấp.
Nội dung thanh tra trong đợt này gồm: Kiểm tra tiêu chuẩn công bố đối với VTSMN; kiểm tra việc ghi nhãn đối với VSTMN; kiểm tra khối lượng; kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo vàng; lấy mẫu mang đi thử nghiệm xác định hàm lượng. Thanh tra tại các huyện có hoạt động kinh doanh gồm Yên Minh, Mèo Vạc, Bắc Quang, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang với 11 cơ sở cho thấy, 11/11 cơ sở đều đạt yêu cầu về đo lường, giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo vàng còn thời hạn. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cũng cho thấy có đến 5/11 cơ sở ghi nhãn chưa đúng theo quy định, 1 cơ sở chưa công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với VTSMN. Qua lấy mẫu tại 4 cơ sở công bố hàm lượng vàng 99,9 đi thử nghiệm hàm lượng vàng, có 1 cơ sở vi phạm về công bố tiêu chuẩn áp dụng, chỉ đạt 99,6. Do đó, đã xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật 1 cơ sở vi phạm với số tiền là 6.000.000.
Từ kết quả thanh tra chuyên đề vừa qua, theo Chánh thanh tra, Mai Hoàng Hiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTSMN cơ bản đã chấp hành tương đối đầy đủ các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng; sử dụng phương tiện đo theo quy định; công bố tiêu chuẩn, chất lượng vàng. Qua thanh tra phát hiện những hạn chế trong thực hiện các quy định của pháp luật hoạt động này như chất lượng, nhãn hàng để xử lý nhằm đảm bảo việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh VTSMN.
Cùng với việc kiểm tra, xử lí những hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh VTSMN, theo đồng chí Mai Hoàng Hiệp, Chánh thanh tra Sở KH&CN, quá trình kiểm tra chuyên đề đối với mỗi hoạt động, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong đó có VTSMN là một lần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của các hộ sản xuất, kinh doanh. Qua đợt thanh tra chuyên đề vừa qua, không chỉ cho thấy một cái nhìn về hoạt động sản xuất, kinh doanh VTSMN trên địa bàn tỉnh mà còn khẳng định vai trò của các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc kiểm soát, quản lí lĩnh vực này.
Bài, ảnh: Huy Toán
Ý kiến bạn đọc