Bài học quản lý nhà nước về tài nguyên đất trên địa bàn xã Đạo Đức

07:32, 20/07/2016

BHG- Trong một thời gian ngắn, 47 nóc nhà cùng các công trình phụ trợ được người dân thôn Bình Vàng, Tân Tiến, Bản Bang, Độc Lập, Làng Cúng (Đạo Đức - Vị Xuyên) xây cất trái phép trên đất nông nghiệp thuộc khu vực có chủ trương thu hồi, thực hiện Dự án Thủy điện Sông Lô 2. Ngay khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng kiểm tra, yêu cầu chấm dứt hành vi thay đổi hiện trạng sử dụng đất, nhưng không thể ngăn cản “cơn lốc” dựng nhà, đón tiền đền bù đang dâng như “thác lũ”.

Đầu tư cả trăm triệu đồng, dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, nhiều hộ dân xã Đạo Đức đang đứng trước nguy cơ  không nhận được tiền đền bù.
Đầu tư cả trăm triệu đồng, dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, nhiều hộ dân xã Đạo Đức đang đứng trước nguy cơ không nhận được tiền đền bù.

Những căn nhà, công trình phụ trợ được dựng vội vàng, qua loa trên đất nông nghiệp dọc bờ sông Lô thuộc vị trí thôn Bản Bang, Bình Vàng, Làng Cúng, Độc Lập, Tân Tiến,... đang xuống cấp nghiêm trọng do tác động của thời tiết và không người trông nom, bảo quản. Nhiều ngôi nhà rộng hàng chục m2, được xây bằng vật liệu kém chất lượng, sàn gác tạm bợ bằng những cây tre tươi đang bị mối, mọt xông, có thể sập bất cứ lúc nào; các công trình phụ trợ như bể nước, khu chuồng trại chăn nuôi, xây trên nền đất nông nghiệp, do làm “chui”, không xử lý kỹ nên đang bị lún, nứt; nhiều gia đình đã vay mượn cả trăm triệu đồng dựng lên ngôi nhà rồi bỏ hoang giờ đang đứng trước nguy cơ vỡ nơ,... là những thực trạng chua xót chúng tôi ghi nhận được dọc 2 bờ sông Lô đoạn qua xã Đạo Đức. 47 công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp bắt nguồn từ sự thiếu chặt chẽ khi triển khai dự án của chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Sông Lô 2, nhưng cũng có nguyên nhân từ quá trình xử lý thiếu cương quyết của chính quyền cơ sở. Tìm hiểu sự việc trên được biết, cuối năm 2015, Công ty TNHH Thanh Bình, chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Sông Lô 2 chính thức khởi công dự án trên địa bàn xã Đạo Đức. Theo thiết kế, Thủy điện Sông Lô 2 có tổng công suất lắp máy 28MW, gồm 2 tổ máy phát điện, mực nước dâng bình thường 93 m, mực nước hạ lưu trên 81 m, điện lượng bình quân trên 117 triệu KWh. Nhà máy được xây dựng, tạo ra vùng lòng hồ rộng lớn, nhiều ha đất canh tác của người dân xã Đạo Đức dọc 2 bên bờ sông sẽ nằm trong diện thu hồi, giải phóng mặt bằng (GPMB), chính quyền địa phương đã thông báo đến người dân chủ trương thu hồi, yêu cầu không được chuyển nhượng, thay đổi hiện trạng sử dụng đất.

Sau gần một năm thi công, dự án đã hoàn thành việc đào đắp đê quây phục vụ thi công nhà máy và đập, thi công bê-tông nhà máy, tường dẫn dòng, 2 khoang tràn và nhiều hạng mục phụ trợ khác. Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa chủ động hoàn thiện công tác đo đạc, lập bản đồ, tính toán số liệu đền bù, GPMB phía thượng nguồn đập chứa nước nhà máy thủy điện. Vậy là, ngay khi chủ đầu tư dự án hoàn thành cắm mốc ranh giới toàn bộ diện tích đất còn lại chưa thu hồi, bồi thường GPMB làm lòng hồ thủy điện, hàng loạt hộ dân có đất canh tác nằm trong khu vực lòng hồ đã cố tình dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, nhằm mục tiêu đón đầu tiền bồi thường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cường, cán bộ Địa chính xã Đạo Đức khẳng định: Sự việc 47 hộ dân đồng loạt dựng nhà, công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp nhằm đón đầu công tác bồi thường Dự án Thủy điện Sông Lô 2 diễn ra quá nhanh, quá bất ngờ, có chuẩn bị từ trước khiến chính quyền địa phương trở tay không kịp. Cũng theo ông Cường, từ cuối tháng 2.2016, chính quyền xã đã phát hiện một số gia đình, cá nhân tự ý xây nhà, các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý thay đổi hiện trạng đất trong vùng có chủ trương thu hồi đất. Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, xã đã triệu tập cuộc họp, thông báo đến các Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn có trách nhiệm tuyên truyền, yêu cầu người dân không được tự ý xây nhà, công trình phụ trợ, gây ảnh hưởng đến công tác triển khai dự án, tuy nhiên họ không tự giác chấp hành. Tiếp đó, xã thành lập đoàn kiểm tra, lập biên bản hàng chục trường hợp vi phạm. Khi tổ công tác của UBND xã yêu cầu các hộ dừng việc xây dựng, trả lại hiện trạng mặt bằng như ban đầu, nhiều hộ đã lẩn tránh, một số ký biên bản, nhưng khi tổ công tác vừa rút đi, họ tiếp tục xây dựng khiến tình hình quản lý đất đai trên địa bàn xã thêm phức tạp.

Chỉ sau một đêm, nhiều nóc nhà mọc lên trên đất nông nghiệp nhằm đón đầu công tác bồi thường, sự việc chỉ chấm dứt khi chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể vào cuộc quyết liệt, vừa đình chỉ, vừa tuyên truyền nói rõ vi phạm của người dân sẽ không được đền bù bởi khu vực này đã có thông báo thu hồi, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng họ mới dừng lại. Nếu như ngay khi mới bùng phát, công tác tuyên truyền linh hoạt hơn, việc xử lý cương quyết hơn thì đã không nảy sinh những phức tạp về sau. Qua sự việc trên cho thấy, công tác quản lý Nhà nước về đất đai cần phải được thực hiện nghiêm, sát sao hơn nữa - Chủ tịch UBND xã Đạo Đức Lê Đình Trung khẳng định.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đa cấp về bản và những lời trần tình

BHG- Với luận điệu lôi kéo của "cán bộ" bán hàng đa cấp (BHĐC) được cho là của Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam (LMTDVN), khiến không ít người, đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn hoang tưởng rằng, nếu tham gia BHĐC của công ty này sẽ chẳng mấy chốc trở thành... tỷ phú. Nhưng, rồi bà con cũng dần ngộ ra một thực tế phũ phàng.

31/05/2016
Xét xử lưu động vụ án trộm cắp tài sản tại xã Tân Thành

BHG - Ngày 30.5, tại xã Tân Thành (Bắc Quang), Toà án nhân dân huyện Bắc Quang mở phiên toà xét xử lưu động vụ án hình sự trộm cắp tài sản đối với các bị cáo:  Đặng Văn Hưng, Mai Trọng Dương và Bùi Xuân Lực.

31/05/2016
Thêm những nạn nhân... tiền mất, tật mang

BHG- Sau khi Báo Hà Giang đăng tải loạt bài viết "Bão đa cấp lên núi", thời gian qua, phóng viên tiếp tục nhận thêm thông tin về những nạn nhân của bán hàng đa cấp (BHĐC) mới được cho là liên quan đến Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam (LMTDVN). Theo sự phản ánh và dẫn đường của những nạn nhân, chúng tôi từng bước tiếp cận với một kiểu đa cấp biến tướng, mà ở đó các nạn nhân đã bị đưa vào một canh bạc của lòng tham và sự u mê.

26/05/2016
Sông Lô... "oằn mình" bởi nạn "cát tặc"

BHG- Hàng chục điểm khai thác cát, sỏi trái phép hoạt động ngang nhiên, tấp nập trên sông Lô đoạn chạy qua địa bàn huyện Vị Xuyên, thành phố Hà Giang như đang "thi gan" với cơ quan công quyền. Đối phó với nạn "cát tặc", chính quyền huyện Vị Xuyên, thành phố Hà Giang luôn chỉ đạo xử lý nghiêm, đình chỉ ngay... nhưng cơ sở lại thờ ơ như không phải việc của mình. Chính vì vậy, các điểm khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lô vẫn diễn ra thường xuyên.

25/05/2016