Quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng
BHG- Tham nhũng là vấn đề nóng bỏng, bức xúc trong xã hội, với những biểu hiện ngày càng phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành. Đấu tranh với tội phạm tham nhũng rất khó khăn, bởi hành vi vi phạm được che đậy rất tinh vi. Trong khi tham nhũng có những đặc trưng rất cơ bản và tương đối đặc biệt: Chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn. Chủ thể tham nhũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao. Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng. Mục tiêu là phải ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế -xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; có đội ngũ cán bộ công chức kỷ cương, liêm chính.
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh Hà Giang được cấp ủy tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 27.5.2015 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ngày 06.01.2016, ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU “Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tổ chức các hoạt động, đảm bảo các điều kiện dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016”.
Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã nghiêm túc vào cuộc tổ chức thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Ban Nội chính Tỉnh ủy mặc dù mới được thành lập chưa đầy 3 năm nhưng đã khẳng định rõ nét là cơ quan tham mưu đắc lực cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tham nhũng. Hằng tháng, Ban Nội chính Tỉnh ủy đều tổng hợp, báo cáo tình hình, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn và tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và đã có kết quả rõ rệt. Trong giai đoạn 2010-2015, cơ quan Tòa án đã đưa ra xét xử 7 vụ án tham nhũng với 14 bị cáo, đã tuyên phạt 10 bị cáo với tổng số 46,6 năm tù giam, thu hồi cho Nhà nước trên 2 tỷ đồng, trả cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan 86 triệu đồng.
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện, thông qua nhiều biện pháp như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, trong năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế-xã hội; phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan, đơn vị. Đặc biệt qua hoạt động tự kiểm tra nội bộ đã phát hiện 2 vụ tham nhũng trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng.
Phòng, chống tham nhũng được xác định là công việc khó khăn, phức tạp, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Một trong những cách thức để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thu được hiệu quả cao là phải phấn đấu đạt được “4 không”: Không thể tham nhũng; không dám tham nhũng; không muốn tham nhũng và không cần tham nhũng.
Trong thời gian tới, để công tác phòng, chống tham nhũng thu được hiệu quả thiết thực, thiết nghĩ chúng ta cần phải: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật phòng, chống tham nhũng.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng trong toàn Đảng bộ.
Đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh, kịp thời bằng kỷ luật về Đảng, hành chính, kinh tế và hình sự các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí; quan tâm việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Tiến hành kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức Đảng và người đứng đầu; các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tập trung phòng ngừa tham nhũng trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng như: Đầu tư xây dựng cơ bản; chương trình dự án phát triển kinh tế; quản lý, sử dụng đất; quản lý sử dụng tài sản công; công tác tuyển dụng, luân chuyển cán bộ, quản lý thu chi ngân sách vv...
Thực hiện dân chủ trong công tác tuyển dụng, chuyển đổi vị trí công tác, thi đua khen thưởng; đẩy mạnh cải cách và hoàn thiện thủ tục hành chính.
Hoàng Quốc Phong
Ý kiến bạn đọc