Ngành Tòa án, kết quả bước đầu cải cách hành chính tư pháp
HGĐT- Theo đồng chí Nông Đức Toàn, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, những năm qua TAND tỉnh đã quán triệt Nghị quyết này đến toàn thể cán bộ, công chức (CBCC) trong toàn ngành và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Hoạt động của ngành đã có nhiều đổi mới tiến bộ, chất lượng hoạt động xét xử được nâng lên, tỷ lệ số vụ án bị cải sửa, bị hủy, hoặc sai sót trong công tác xét xử giảm nhiều so với quy định của ngành; tình trạng đơn thư khiếu kiện kéo dài đã được quan tâm giải quyết dứt điểm; lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của công dân được bảo đảm.
Xét xử lưu động nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân.
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu đã được ngành Tòa án quan tâm và thực hiện khá tốt, đó là toàn ngành đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động xét xử và đề cao trách nhiệm của mỗi CBCC trong ngành. Trong đó, TAND hai cấp đã quan tâm đổi mới lề lối làm việc bảo đảm cho việc thụ lý, giải quyết các vụ án và tiến hành các thủ tục hành chính tư pháp nhanh chóng, thuận lợi, đưa ra xét xử kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra, truy tố nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, sớm đưa ra xét xử... Việc tổ chức các phiên tòa đã được TAND hai cấp thực hiện theo tinh thần đẩy mạnh cải cách tư pháp, chú trọng chỉ đạo thực hiện các nội dung cần cải cách theo bước đi, lộ trình thích hợp. Hàng năm ngành đã mở các lớp tập huấn nghiệp vụ hội thẩm cho hội thẩm nhân dân hai cấp nhằm nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm xét xử các loại án, phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình.
Điểm nổi bật của việc cải cách tư pháp là việc xét hỏi và tranh luận tại các phiên tòa đã có nhiều đổi mới, thực hiện dân chủ, đảm bảo quyền và lợi ích của các đương sự. Các bị cáo, luật sư và những người tham gia tố tụng được trình bày ý kiến của mình theo đúng trọng tâm của vụ án. Mặt khác, trong hoạt động xét xử, ngành đặc biệt bám sát phương châm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xử oan người và tội, hạn chế tình trạng xử sai do lỗi chủ quan của thẩm phán. Để có đội ngũ thẩm phán và CBCC có bản lĩnh chính trị, chuyên môn vững vàng và có phẩm chất đạo đức tốt, TAND hai cấp luôn chú trọng công tác cán bộ, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện tốt cho thẩm phán và CBCC trong ngành tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật của người cán bộ tư pháp. TAND tỉnh thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ đảm bảo đủ biên chế, hợp lý, kịp thời nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Nội dung mới trong cải cách tư pháp đã được ngành triển khai thực hiện đạt hiệu quả như hàng quý tiến hành kiểm tra án đối với 11/11 đơn vị TAND huyện, thành phố. Qua công tác kiểm tra, các sai sót về chuyên môn nghiệp vụ đã được phát hiện và khắc phục kịp thời, các vướng mắc trong thực tiễn xét xử được kiến nghị TAND tối cao nghiên cứu, hướng dẫn, chỉ đạo thống nhất áp dụng chung. Thực hiện phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” đồng thời để giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề nghị, yêu cầu của nhân dân, TAND hai cấp đã thực hiện tốt công tác tiếp dân, bố trí phòng tiếp dân, nội quy và phân công cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện tiếp dân. Đặc biệt, TAND đã đưa ra xét xử lưu động công khai một số vụ án trọng điểm tại các địa bàn nơi bị cáo gây án nhằm mục đích lồng ghép việc tuyên truyền nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho quần chúng nhân dân.
Thực hiện hiệu quả công tác cải cách tư pháp, ngành Tòa án đã và đang tạo ra bước đột phá mới trong hoạt động xét xử. Kết quả, trong 7 năm (2005-2012), TAND hai cấp đã giải quyết được 6.942 vụ án các loại, trong tổng số 6.766 vụ án thụ lý, tỷ lệ giải quyết đạt 97,46%. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, ngành TAND tỉnh thụ lý 598 vụ án các loại, giải quyết 396 vụ, đạt tỷ lệ 66,2%. Chất lượng xét xử các loại án từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện ngành Tòa án tỉnh vẫn còn một số khó khăn và hạn chế nhất định cần được khắc phục kịp thời. Đó là cần nâng cao vai trò của công tác hòa giải cơ sở đối với các tranh chấp dân sự, các vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình tại địa phương; tăng cường công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm đối với các Chánh án TAND các huyện, thành phố; kiểm điểm trách nhiệm đối với các Thẩm phán có án bị xử hủy do lỗi chủ quan... Đồng thời, sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị đáp ứng yêu cầu về thực hiện chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.
Ý kiến bạn đọc