Mang kiến thức pháp luật đến vùng sâu, vùng xa
HGĐT- Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những hoạt động nhằm giúp cho người được trợ giúp theo quy định pháp luật có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu pháp luật để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, của nhà nước và của toàn xã hội. Đối với tỉnh ta xuất phát từ đặc thù là tỉnh nghèo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng cư trú và sinh sống, người dân còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và vận dụng pháp luật vào cuộc sống.
Người dân xã Tát Ngà (huyện Mèo Vạc) trong một buổi TGPL thông qua những tờ rơi.
Là tỉnh có 122 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn và người dân tộc thiểu số chiếm đa số, phần lớn trong số này đều thiếu hiểu biết về mặt pháp luật, bên cạnh đó còn nhiều tập quán lạc hậu tồn tại. Xác định trợ giúp pháp lý cho nhân dân là điều sức quan trọng và thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu hướng mạnh về cơ sở để tạo nên chuyển biến về công tác trợ giúp pháp lý cho các đối tượng: tư vấn, hướng dẫn và giải quyết kịp thời các yêu cầu của người dân ngay tại cơ sở. Để “mang pháp luật đến với mọi người”, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh thường xuyên phối hợp cùng các địa phương tổ chức các đợt trợ giúp lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong năm qua, Trung tâm đã tổ chức trên 44 đợt TGPL lưu động tại 157 xã của 11 huyện, thành phố, với tổng số vụ việc được trợ giúp 2.679 vụ. Qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở, Đoàn TGPL đã giúp người dân giải đáp những vướng mắc pháp luật về đất đai, dân sự, chế độ chính sách, hôn nhân và gia đình,... kèm theo cấp phát hàng nghìn tờ rơi về các lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân. Mỗi buổi TGPL lưu động thực sự là một hoạt động truyền đạt kiến thức pháp luật hết sức có ý nghĩa đối với đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối với nhân dân vùng nông thôn, dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi cao, nhất là các đối tượng được hưởng chính sách của Nhà nước, vì họ đều có chung một cảm nghĩ rằng đã được mở mang rất nhiều về kiến thức pháp luật, nhất là những kiến thức tối thiểu sát với cuộc sống thực tế hàng ngày.
Song song với việc trợ giúp lưu động, các trợ giúp viên, cộng tác viên pháp lý của Trung tâm đã thực hiện tư vấn pháp luật 23 vụ việc liên quan đến các lĩnh vực như trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở; chính sách bồi thường, giải tỏa; chính sách người có công... Qua đó, Trung tâm cùng với chính quyền địa phương tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc pháp luật trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, Trung tâm và các chi nhánh TGPL số 1,2,3 tại các huyện Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Bắc Mê phối hợp với Phòng tư pháp huyện tổ chức TGPL 23 đợt tại các trong huyện với tổng số 777 vụ việc, cho 1.217 lượt người tham gia. Ngoài ra, 174 Câu lạc bộ TGPL trong toàn tỉnh cũng đã tổ chức TGPL và sinh hoạt định kỳ, qua đó tư vấn, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc pháp luật cho người dân giúp họ tránh được những vi phạm pháp luật không đáng có và bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình.
Bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh, cho biết: “Với hàng chục ngàn văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương được ban hành để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội thì người dân khó mà tiếp cận hết được. Chỉ có đến tận nơi, tuyên truyền phổ biến cụ thể mới mong trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về pháp luật, khi đã được trang bị các kiến thức cơ bản về pháp luật sẽ đem lại nhiều lợi ích trong cuộc sống”. Tuy nhiên, công tác TGPL vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ như kinh phí hoạt động, nhân sự cho trung tâm và các chi nhánh, hoạt động của các câu lạc bộ TGPL, đội ngũ tư vấn viên, cộng tác viên ở cơ sở vừa thiếu, vừa yếu... Điều đó đã ảnh hưởng phần nào đến hoạt động của công tác. Nhiều đợt TGPL lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa cho thấy một bộ phận người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế trong nhận thức pháp luật. Có những việc vừa nghe qua tưởng đơn giản, nhưng với bà con là cả “một núi” khó khăn. Nhiều trường hợp người dân không biết làm thế nào để hưởng chính sách người có công nên phải chịu thiệt thòi trong một thời gian dài.
Có thể nói, hoạt động TGPL đã có những tác động tích cực đến nhận thức về pháp luật của người dân vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn. Hoạt động đã kịp thời giải đáp thắc mắc, nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân ngay tại cơ sở, giảm tình trạng khiếu kiện không đáng có, giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, các vấn đề mà người dân yêu cầu trợ giúp ngày càng nhiều và phức tạp. Do đó, hoạt động TGPL càng cần thiết đối với người dân.
Ý kiến bạn đọc