Sang biên giới đánh bạc là chuốc khổ cho gia đình
Mặc dù, lần nào về cũng "rỗng túi" nhưng vẫn đi để gỡ gạc. Nhưng càng gỡ, thì càng thua. Không ít người "tán gia bại sản" vì trót đam mê cái thú của "bác thằng bần".
Lỡ ghiền cờ bạc…
Được người bạn giới thiệu, chúng tôi làm quen với P., tài xế xe ôm ở thị trấn Sa Rài (Tân Hồng), nhờ "hộ tống" sang casino không tên ở huyện Sa Đách (tỉnh Prây Veng, Campuchia), giáp với cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Tân Hồng, Đồng Tháp) với giá 200 ngàn đồng (bao chuyến). Sau khi làm các thủ tục cần thiết ở cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, P. chở tôi vào casino không tên, cách cửa khẩu Dinh Bà khoảng 300m.
Trước khi vào cửa, P. bỏ nhỏ: "Vào casino, mấy ông phải tuân thủ luật ở đây nha, chứ hông là ăn đòn như chơi. Tuyệt đối, không được quay phim, chụp ảnh, vì bọn quản lý rất ghét cánh nhà báo". Lách qua cánh cửa hẹp, có mấy tay bảo vệ cao to lực lưỡng người Campuchia làm nhiệm vụ canh gác, chúng tôi lọt thỏm vào khu vực chính của casino, rộng chừng 500m2.
Tại đây, có 5 bàn baccarat (tựa bài cào 3 lá), 1 bàn chơi hai lá dạng Dragon (rồng) và Tiger (cọp), 1 bàn tài xỉu và một trường gà, với khoảng 40 con bạc đang say máu. Để dễ dàng cho khách tham gia, casino này không bắt buộc người chơi đổi phỉnh mà có thể đặt tiền mặt trực tiếp. Càng trưa, dòng người đổ vào casino càng đông, các bàn chơi đã chật kín người. Casino cũng trở nên ồn ào, nóng hầm hập vì hơi người cùng những tiếng hò hét của khoảng 400 con bạc, chủ yếu là người Việt và một ít khách bản địa. Trong đó, phần lớn là phụ nữ, nhiều người còn "rặt" nông dân.
Một trường gà nằm dọc biên giới Tây Nam, nơi các con bạc tìm đến sát phạt. |
Một khách quen của casino này là người phụ nữ trạc 70 tuổi, ngồi chơi ở bàn tài xỉu, mọi người gọi là "má", ở thị trấn Sa Rài. "Mỗi ngày, "má" nướng vào casino ít nhất cũng vài triệu đồng", P. nói. Cũng theo lời P., ma lực của trò đỏ đen này thật khủng khiếp, vì "má" dù bị tai biến, phải đi cà nhắc với sự hỗ trợ của chiếc nạng gỗ, nhưng do mê cờ bạc ngày nào cũng trồng "cây si" bên này, với một bác tài xế xe ôm "hộ tống".
Ngồi chung bàn với "má" là một người phụ nữ tên Hồng (40 tuổi, ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp). Nhìn người phụ nữ này tẩn mẩn, từng tờ tiền mệnh giá 10.000 đồng, vì không nỡ xuống "tài hoặc xỉu" trông đến tội nghiệp. "Gần 10 ván rồi, chị theo tài thì cái đổ xỉu. Theo xỉu thì cái đổ tài. Giờ không biết theo tài hay xỉu nữa", người phụ nữ này nói. Hỏi chuyện thì mới biết, sáng giờ chị thua đứt gần 2 triệu tiền công người chồng làm thợ xây ở TP Cao Lãnh, vừa gởi về nhà để trả nợ. Nhưng vì bạn bè rủ sang casino chơi cho biết, nên chị cũng đi theo và "lỡ" nướng hết số tiền đó vào sòng bạc. Khi bắt chuyện với tôi, trên tay chị chỉ còn mấy tờ tiền mệnh giá 10.000 đồng nhưng vẫn còn ngồi ráng để gỡ gạc.
Nơi trung chuyển con bạc "cầm mạng"
Thống kê của ngành chức năng, trung bình mỗi ngày tại khu vực cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, có khoảng 300 người "xuất ngoại" qua biên giới đánh bạc. Tại các casino ở tuyến biên giới giáp ranh của Đồng Tháp, ngành chức năng chưa phát hiện trường hợp con bạc phải cầm mạng khi sang biên giới đánh bạc. Nhưng theo những tay cờ bạc, cửa khẩu Dinh Bà là nơi trung chuyển các con bạc cầm mạng khi "cháy túi" tại các casino dọc biên giới, giáp ranh các cửa khẩu, như: Bình Hiệp (Long An), Xà Xía (Kiên Giang), Mộc Bài (Tây Ninh), Vĩnh Ngươn (An Giang)… Các hoạt động trao tiền, thả người được thực hiện dọc theo tuyến biên giới, sau đó con bạc bị cầm mạng sẽ qua cửa khẩu Dinh Bà để về nhà.
Trong đó, phần lớn là những người nông dân chân chất, nhưng vì tâm lý muốn qua casino chơi một lần cho biết, rồi từ từ sa ngã vào con đường cờ bạc.
Trường hợp của L.P.B. (ngụ xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng) đã được gia đình chuộc về với giá 60 triệu đồng, khi thua "cháy túi" phải cầm mạng ở casino giáp ranh với cửa khẩu Bình Hiệp (Long An). Cũng tại đây, cuối tháng 12 năm 2011, con bạc N.T.S. (ngụ xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), khi sang đánh bạc tại cửa khẩu Xà Xía (Kiên Giang) thua hết tiền, S. cầm mạng với giá 5.000 USD để chơi tiếp. Khi thua hết 5.000 USD, S. mới gọi điện thoại về cho gia đình mang tiền sang cửa khẩu Dinh Bà chuộc về...
Người từng chứng kiến nhiều gia đình có con, người thân vì trót dính vào cờ bạc đến "tán gia bại sản" là Thượng tá Nguyễn Văn Phong, Phó trưởng công an huyện Tân Hồng (Đồng Tháp). Ông cùng với đồng đội của mình đã phối hợp với lực lượng biên phòng giải cứu và góp tiền ăn, tiền xe cho các con bạc "lầm lỡ" trở về sau khi đã mất tất cả.
Trong câu chuyện với Thượng tá Phong, chúng tôi được biết trường hợp L.C.G. (ngụ phường Vĩnh Mỹ, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang). G. hành nghề tài xế xe tải, với thu nhập khá ổn định. Nhưng G. mê cờ bạc, thường xuyên sang casino thử vận. Một ngày cuối năm 2011, G. thua hết tiền và cầm mạng với 4.500 USD. Đến khi cháy túi, G. gọi điện thoại về báo tin cho gia đình. Để cứu mạng G., chị H. (chị ruột của G, sống bằng nghề bán vé số) đã bán căn nhà nhỏ, nơi tá túc của 3 mẹ con, vay mượn của hàng xóm thêm được tổng cộng là 51 triệu đồng sang cửa khẩu Dinh Bà chuộc G..
Hay tin, lực lượng Công an huyện Tân Hồng đã phối lực lượng biên phòng tiếp ứng với chị H. giải cứu G.. Nhưng khi đó, số tiền chị H. mang theo cũng vừa trót trao cho bọn cầm mạng bên kia bên giới đã "lặn" mất dạng. Về đến Công an huyện Tân Hồng, chị H. mừng vui nhưng trong lòng tủi thân vì căn nhà đã bán để cứu em trai. Ba mẹ con chị chưa biết nương tựa vào đâu. Khi chuộc G., không còn tiền, Công an huyện phải góp tiền chi phí đi đường cho cả 2 chị em H. và G.
Ý kiến bạn đọc