Cảnh giác với thủ đoạn giả Cảnh sát chiếm đoạt tài sản
"Tôi thường xem Tổ 141 Công an TP Hà Nội xử lý vi phạm trên đường phố nên biết được quy trình làm việc của họ. Vì túng tiền tiêu xài, tôi nảy ý định phạm tội và bàn bạc với vài người nữa mua công cụ hỗ trợ giống như của Tổ 141 gồm bộ đàm, dùi cui điện… để chiếm đoạt tiền của những người đi đường", Nguyễn Thanh Tùng (16 tuổi, trú tại phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội), một trong 5 đối tượng giả danh Công an bị bắt giữ vào ngày 19/10 khai nhận.
Vụ giả danh Công an này rất may đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Đây chỉ là một trong số các vụ giả danh Công an được phát hiện trên địa bàn cả nước trong thời gian qua…
Giả danh Công an chiếm đoạt tiền của người bị hại
Trong các đối tượng này, kẻ ít tuổi nhất sinh năm 1996, lớn nhất sinh năm 1991. Trước đó, khoảng 21h ngày 19/10, tổ công tác Đại đội 3 - Trung đoàn CSCĐ Công an TP Hà Nội trong khi làm nhiệm vụ trên tuyến đê Long Biên - Thạch Bàn, thuộc địa phận quận Long Biên, nhận được thông tin: Cách đó vài chục mét đang có "tổ công tác 5 người của lực lượng 141 làm nhiệm vụ".
Trước dấu hiệu bất thường, tổ công tác Đại đội 3 bí mật áp sát khu vực trên, nhận thấy có 5 người mặc thường phục, đứng gần cầu Vĩnh Tuy, đang sử dụng bộ đàm và dùi cui, đèn pin chặn giữ, xử lý 1 cô gái không đội mũ bảo hiểm. Vừa nhìn thấy lực lượng CSCĐ xuất hiện, "tổ công tác 141" định tháo lui nhưng không kịp. Trước đề nghị kiểm tra giấy tờ của tổ CSCĐ, 5 thanh niên "141" đã lộ tẩy trò mạo danh, khai nhận mới "ra quân" được buổi đầu tiên thì bị lực lượng chức năng phát hiện.
Thực tế các vụ giả danh Công an xảy ra trong thời gian qua trong cả nước cho thấy, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội nhiều người có tiền án tiền sự, nhiều trong số đó đã bị xử lý về các tội cưỡng đoạt hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một trong những nguyên nhân để các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội là do chúng đánh vào tâm lý của những người bị hại.
Trường hợp của Đinh Văn Thiết (27 tuổi, trú tại Đội 3, Hợp tác xã Ninh Mỹ, xã Hải Hậu, tỉnh Nam Định) là một ví dụ, đối tượng này vừa bị Công an quận Hoàng Mai bắt giữ vào tháng 3/2012. Thiết từng bị TAND quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng xử phạt 18 tháng tù về hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Sau khi ra tù, đối tượng này lại "ngựa quen đường cũ" tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Trong quá trình lang thang ở khu vực bến xe phía Nam, Thiết nắm được quy luật của lực lượng 142 nên nảy ý định thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng Thiết nhằm vào các lái xe vi phạm như không làm lệnh xuất bến, xe dừng đỗ đón và trả khách không đúng nơi quy định… Vì không muốn bị "nhốt xe" nên nhiều người bị hại đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" đưa tiền cho Thiết, dù chẳng biết Thiết là ai. Tâm lý của các người bị hại đều cho rằng, phải làm ăn lâu dài ở bến nếu có biểu hiện chống đối sợ khó làm ăn.
Các thủ đoạn giả danh Công an
"Khi giới thiệu là Công an sẽ dễ dàng lấy được lòng tin của người bị hại", Đinh Văn Thiết đã khai nhận như vậy tại cơ quan điều tra Công an quận Hoàng Mai, khi hành vi của anh ta bị phát giác. Trong các trường hợp này, đối tượng gây án thường có sự hiểu biết nhất định về ngành Công an; trang phục, quy trình làm việc và các công cụ, phương tiện những lực lượng này thường mang theo người.
Một số trường hợp, chúng còn tìm hiểu về nhân thân, tên, tuổi, số điện thoại của những người giữ vị trí lãnh đạo trong các đơn vị Công an, từ đó rêu rao có các mối quan hệ với những người này để tạo niềm tin cho những người nhẹ dạ. Không chỉ dừng lại ở việc giả danh các lực lượng như Tổ 141, Tổ 142 hiện đang được Công an Hà Nội triển khai, nhiều đối tượng còn tự giới thiệu là Cảnh sát hình sự để lừa chạy xin việc.
Trong các tình huống này, chúng thường chủ động tìm gặp người bị hại như trường hợp của Đỗ Văn Sơn (27 tuổi, ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Sơn chỉ là nhân viên phục vụ tại một quán nhậu, nhưng lại tự giới thiệu là Cảnh sát hình sự. Và để thực hiện hành vi lừa đảo, đối tượng này mua quần áo và trang phục Cảnh sát.
Tang vật các đối tượng giả danh tổ 141 để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người bị hại. |
Đối tượng giả danh Công an còn có cả các nữ nhi chân yếu, tay mềm. Trường hợp của Vi Thị Năng (54 tuổi, ở thôn Liên Hiệp, thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là một điển hình. Thủ đoạn phạm tội của Năng trong vụ án này rất tinh vi và liều lĩnh. Biết tin 4 người trong gia đình ông Nguyễn Chí Cường (48 tuổi, ở thôn Đèo Gió) bị bắt về hành vi giết người, Năng chủ động tìm gặp bà Võ Thị Hà (vợ ông Cường) và giới thiệu là Cảnh sát hình sự. "Chết đuối vớ được cọc" bà Hà đang lúc khó khăn đã tin ngay lời của Năng. Vì thế, bà Hà và gia đình đã nhiều lần đưa tiền cho Năng để chạy án cho người nhà được tại ngoại. Năng có tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức án 9 năm tù giam…
Từ các vụ giả danh Công an bị phát hiện trong thời gian qua cho thấy có nguyên nhân từ phía người bị hại. Vì bị mắc lỗi, vì muốn chạy án cho người thân và rất nhiều lý do khác, họ đã nhờ vả các đối tượng ở bên ngoài xã hội dù biết hành vi đó là vi phạm pháp luật. Cũng vì lý do trên nên nhiều trường hợp, người bị hại đưa tiền song không hề biết tên, tuổi cũng như địa chỉ của người "Công an" này ở đâu? Nên khi sự việc đã rồi và phát hiện đã bị lừa đảo họ mới tìm đến cơ quan Công an trình báo thì đã quá muộn.
Một nguyên nhân khác là do sự buông lỏng quản lý trang phục và công cụ hỗ trợ vẫn được dùng cho lực lượng vũ trang. Bằng chứng là trong nhiều vụ giả danh Công an bị phát hiện, đối tượng mặc trang phục của ngành với đầy đủ các công cụ hỗ trợ cần thiết. Khi bị bắt giữ, các đối tượng khai nhận rằng mua ở đường Lê Duẩn…
Để phòng ngừa loại tội phạm trên, tránh để không rơi vào "bẫy" của những kẻ mạo danh, mỗi người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác. Trong trường hợp lưu thông trên đường, nếu là lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông thì phải có tổ công tác, trang phục của cán bộ, chiến sỹ phải chỉnh tề, cách ăn nói phải nghiêm túc, theo đúng quy định của lực lượng Công an. Nếu là lực lượng làm nhiệm vụ bí mật phải xuất trình được thẻ ngành… trong trường hợp phát hiện nghi vấn thì phải báo cáo lực lượng Công an sở tại để có hướng xử lý thích hợp
Ý kiến bạn đọc