Không có việc khai thác gỗ trái phép ở mỏ Chì - kẽm Ao Xanh

10:08, 30/06/2012

HGĐT- Trong thời điểm tháng 5 và 6 vừa qua, dư luận của quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện Quang Bình xôn xao về việc Công ty TNHH Giang Sơn lợi dụng việc khai thác quặng tại mỏ Chì - kẽm Ao Xanh, thuộc địa phận thôn Luổng, thị trấn Yên Bình để khai thác gỗ trái phép, với số lượng gỗ khá lớn.



               Những cây gỗ to xung quanh khu vực mỏ vẫn còn nguyên vẹn.

Luồng thông tin trên đã gây ra sự nghi ngờ giữa cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng ở địa phương đối với Công ty Giang Sơn, và ngược lại làm ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ, công nhân và uy tín của Công ty TNHH Giang Sơn.

           
Theo nguồn thông tin trên, đồng thời để tìm hiểu và làm rõ sự thật về việc Công ty TNHH Giang Sơn có khai thác gỗ trái phép hay không, nhóm phóng viên chúng tôi đã trực tiếp đến khu vực mỏ Chì – Kẽm Ao Xanh, nơi mà hiện nay Công ty TNHH Giang Sơn đang khai thác quặng. Mặc dù trời mưa, đường trơn chúng tôi vẫn “cưỡi xe máy” vượt qua hơn 10 cây số đường đất, với “hàng trăm ổ voi, ổ gà, sống trâu và những lòng suối cạn” đến tận khu vực mỏ, nơi mà cán bộ, công nhân của công ty đang làm việc. Sau khi trao đổi nội dung làm việc với ông Dương Xuân Chính, một cán bộ thủ quỹ của Công ty Giang Sơn, đồng thời cũng là người bảo vệ khu vực khai thác mỏ, ông Chính nói: “Các anh cứ tìm hiểu những nội dung mà các anh cần”. Thấy có thiện chí tạo điều kiện làm việc chúng tôi bắt đầu đi tìm hiểu xung quanh khu vực khai thác mỏ và leo cả lên núi cao để quan sát, chúng tôi thấy xung quanh khu vực mỏ, các cây gỗ lớn đều vẫn còn nguyên vẹn, không có biểu hiện chặt phá, toàn bộ khu rừng nguyên sinh có nhiều cây gỗ lớn vẫn xanh ngát một màu, đặc biệt có những cây gỗ lớn nằm bên trên khu vực hầm lò vẫn còn nguyên vẹn. Điều này đã giúp chúng tôi khẳng định rằng mặc dù khai thác mỏ sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, nhất là các loại cây gỗ lớn nằm trên hầm lò khi khai thác sẽ đổ, nhưng hiện tại không ảnh hưởng gì. Khi nhìn thấy số gỗ đã xẻ thành khí được xếp ngay ngắn trong một cái lán tại mỏ chúng tôi hỏi ông Chính, ông bảo: “Đây là số gỗ mà Công ty Giang Sơn xin phép tỉnh khai thác tận thu để làm một cái nhà sàn tại mỏ để làm văn phòng làm việc, số gỗ nàyđược khai thác từ năm 2008 và được Hạt kiểm lâm Quang Bình đóng dấu búa xác nhận, vì chưa có điều kiện làm nhà nên Công ty vẫn còn để nguyên thế ”...


Sau khi đi thực tế tại khu vực mỏ Ao Xanh, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Hoàng Ngọc Mai, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Quang Bình, ông cho biết: “Số gỗ mà được hạt kiểm lâm đóng dấu búa hiện đang nằm trong mỏ Ao Xanh đều có hồ sơ giấy tờ đầy đủ của Công ty Giang Sơn, trong quá trình tận thu khai thác những cây gỗ đổ, những cây đã bị chặt hạ từ lâu đều được hạt kiểm tra và đánh dấu rõ ràng”...


Được biết, Công ty TNHH Giang Sơn được UBND tỉnh ký quyết định cấp giấy phép khai thác khoáng sản quặng Chì – Kẽm từ năm 2003 (quyết định số 2237/QĐ-UB ngày 25.8.2003. Tuy nhiên trong Dự án còn chưa đầy đủ một số nội dung mà Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu, nên Công ty phải làm lại tờ trình để bổ sung cho đầy đủ theo quy định. Vì thế đến năm 2006 UBND tỉnh lại ký quyết định số 2990/QĐ-UBND, ngày 10.11.2006 để thay thế quyết định trên. Trong quyết định nêu rõ: Công ty TNHH Giang Sơn được phép khai thác quặng trên diện tích tại khu vực được cấp phép là 17 ha, thời gian khai thác là 8 năm 6 tháng, với công nghệ khai thác hầm lò, không làm ảnh hưởng đến diện tích rừng hiện có trên khu vực mỏ. Toàn bộ diện tích được cấp phép để khai thác quặng là rừng nguyên sinh có rất nhiều loại gỗ nhóm II, nhóm V đã được UBND huyện Quang Bình giao cho Công ty Giang Sơn quản lý, bảo vệ (Quyết định số 2549/QĐ-UB ngày 21.11.2005).


Ngay sau khi hoàn tất các thủ tục về mặt pháp lý, công ty bước vào hoạt động thăm dò và khai thác quặng. Để có trụ sở văn phòng nhà làm việc chi nhánh của Công ty ngay tại mỏ, đồng thời cũng là nơi đón tiếp khách tham quan du lịch tại khu vực mỏ, ngày 6.2.2006 Công ty TNHH Giang Sơn đã có tờ trình số 17/TTr – GS về việc “Xin tận thu 50m3 gỗ cây đổ và số cây do dân đã chặt hạ trước đây tại khu vực mỏ Chì - Kẽm Ao Xanh” trình UBND tỉnh và đã được UBND tỉnh đồng ý cho phép khai thác (Công văn số 454/UB-NLN, ngày 8.3.2006). Ngày 10.4.2008, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quyết định số 168/QĐ-SNN-KTLS phê duyệt hồ sơ thiết kế và cấp phép khai thác tận thu gỗ rừng tự nhiên thuộc khu vực mỏ Chì-Kẽm Ao Xanh cho công ty. Trong quyết định của Sở Nông nghiệp và PTNT nêu rõ: Công ty Giang Sơn được phép khai thác 13 cây gỗ đổ gẫy đã được đánh dấu bài tận thu khai thác theo quy định trong hồ sơ thiết kế, tại Lô 3 khoảnh 308A và Lô 1, 2b, 3, 4 khoảnh 308 B, tại thôn Luổng, thị trấn Yên Bình, với khối lượng 37,42m3 gỗ tròn nhóm II và V (trong đó gỗ nhóm II là 30,58m3; gỗ nhóm V là 6,84m3) trên diện tích khai thác là 86,5ha. Thời gian khai thác từ 10.4.2008 đến 30.9.2008. Sản phẩm sau khai thác, Công ty TNHH Giang Sơn sử dụng đúng mục đích làm trụ sở văn phòng tại khu vực mỏ Chì – Kẽm, tuyệt đối không được sử dụng vào mục đích thương mại và vận chuyển ra ngoài địa bàn, chịu sự kiểm tra, giám sát của Hạt kiểm lâm sở tại và các cơ quan có thẩm quyền.


Như vậy, việc khai thác gỗ tận thu của Công ty Giang Sơn trong thời gian qua là hoàn toàn đúng với quy trình, quy định của Luật pháp, các thủ tục từ tờ trình đến hồ sơ thiết kế, hợp đồng thiết kế khai thác, quyết định cho phép khai thác...vv đều đảm bảo quy định. Công ty đã tổ chức khai thác đúng trữ lượng gỗ và thời gian khai thác như trong quyết định cho phép của Sở Nông nghiệp và PTNT. Những dư luận không tốt trong thời gian qua trên địa bàn huyện Quang Bình cũng cần phải xem xét, phân tích để có những quan điểm đúng.


Theo chúng tôi, để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, các ngành chức năng của huyện Quang Bình cần làm rõ việc này, những đối tượng có hành vi khai thác vận chuyển gỗ trái phép cần xử lý nghiêm túc theo pháp luật, những người làm tốt công tác tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng cần được ghi nhận và biểu dương để khuyến khích động viên họ. Riêng đối với Công ty Giang Sơn cũng cần quán triệt sâu sắc đến toàn thể cán bộ, công nhân trong công ty đang làm việc trên địa bàn huyện Quang Bình cần có mối quan hệ tốt với nhân dân địa phương để phát hiện tố giác những đối tượng xấu đến khai thác và vận chuyển gỗ trên địa bàn, bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực mỏ, nhất là giữ gìn cảnh quan môi trường sinh thái, góp phần tạo điều kiện cho địa phương phát triển...


HIẾN CHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tây Ninh: Triệt phá các tụ điểm cá độ bóng đá
Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Tân Biên xuất hiện một số tụ điểm cá độ bóng đá quy mô lớn gây mất ANTT. Các “ông trùm” cá độ hoạt động cả ngày lẫn đêm chiêu sinh các “môn đồ”. Trung bình mỗi đêm bọn chúng tổ chức cá cược với số tiền từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Những hoạt động đó không qua mắt khỏi các cơ quan chức năng.
28/06/2012
Giải cứu thành công 3 phụ nữ bị bắt cóc qua biên giới
HGĐT- Vào lúc 10 giờ ngày 27.6, nhận được tin báo có 3 phụ nữ, cư trú tại xóm Lũng Làn, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, trên đường đi chợ Lũng Hồ (Trung Quốc) về đến khu vực Mốc 499, thì bị 4 đối tượng bịt mặt dùng dao, súng khống chế sau đó đưa về phía Trung Quốc.
28/06/2012
Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông Quốc gia
HGĐT- Ngày 25.6, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2012.
26/06/2012
Bắt 4 đối tượng trộm cắp thuốc nổ tại xã Du Tiến
HGĐT- Vừa qua, Công an huyện Yên Minh đã tiến hành ra lệnh bắt khẩn cấp 4 đốitượng gồm: Trần Văn Hồng, Giàng Pháy Thào, Nguyễn Văn Sức và Sùng Pà Phứ, đều trú tại xã Du Tiến, huyện Yên Minh, đã có hành vi trộm cắp vật liệu nổ tại xã Du Tiến.
26/06/2012