Cử nhân của Đại học Bách Khoa lừa khách nhận tiền qua Bưu điện
Đang học tiếng Nhật, để thi lấy một suất học bổng cao học tại đất nước Nhật Bản nhưng Học vẫn “thích” đi lừa. Giả giọng cán bộ “trên Bộ”, Học đã lấy được địa chỉ của những khách hàng được chuyển tiền qua Bưu điện. Học đến tận nhà “mượn” CMND để thực hiện “dịch vụ mới của Bưu điện”: Chuyển tiền đến tận nhà.
Đỗ Đình Học. |
Cú lừa mới xuất hiện
Chiều 12/5, vừa nhận được giấy thông báo nhận tiền của Bưu điện Tuyên Quang, anh Thành đã nhận ngay được điện thoại di động của một người tự xưng là nhân viên của Bưu điện tỉnh nói hiện nay bưu điện đang thí điểm dịch vụ chuyển tiền và giao tiền tại nhà riêng cho khách hàng. Nhân viên của bưu điện sẽ đến lấy CMND của khách hàng, sau đó làm thủ tục lấy tiền và chuyển đến tận nhà cho khách. Vì đang thí điểm nên miễn phí các loại dịch vụ chi trả cho khách hàng.
Nghe quảng cáo vậy, anh Thành chấp thuận ngay. Một lúc sau, một nam thanh niên tự xưng là nhân viên bưu điện đến gặp vợ anh Thành lấy CMND của anh Thành để đi làm thủ tục nhận tiền, trên ngực anh ta đeo một tấm thẻ màu xanh nhưng không trông rõ ghi chữ gì.
Đến chiều muộn thì số điện thoại của nhân viên bưu điện lúc trước lại gọi cho anh Thành hẹn sẽ qua nhà trao đổi về việc giao nhận tiền. Khi anh Thành và vợ đứng đợi trước cửa thì thấy một chiếc taxi đỗ xịch đến. Cửa kính xe hạ xuống, người nhân viên bưu điện lúc trước ngó đầu qua cửa nói rằng: "Vì làm thủ tục xong muộn quá nên ngày mai mới rút được tiền cho anh chị". Chưa kịp để vợ chồng anh Thành phản ứng, gã thanh niên kêu xe taxi chạy mất.
Lúc này, anh Thành bắt đầu thấy nghi ngờ, anh gọi điện thoại hỏi thăm và được biết bưu điện không hề có dịch vụ chuyển tiền tại nhà. Đồng thời, khi anh gọi điện hỏi Bưu điện Tuyên Quang về số tiền mà mình được chuyển cho thì cô nhân viên trả lời vừa có một người mang CMND tên là Phan Xuân Thành làm thủ tục lấy xong.
Quá hoảng hốt, anh Thành đã trình báo với cơ quan Công an. Lập tức, các lực lượng Công an chia thành nhiều mũi truy nóng theo dấu vết của tên tội phạm. Nhưng gã đã biệt tăm...
Cuộc truy tìm kẻ lừa đảo
Vì vụ việc có tính chất phức tạp, thủ đoạn phạm tội của đối tượng lần đầu tiên xuất hiện tại Tuyên Quang nên việc truy lùng kẻ gây án của lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh vô cùng khó khăn.
Trong quá trình thu thập thông tin, các điều tra viên được biết tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra một vụ việc tương tự nhưng chưa gây hậu quả do người bị hại cảnh giác đã không giao CMND cho đối tượng mà tự đến lấy tiền tại Bưu điện tỉnh.
Sau đó, biết bị hụt "con mồi", đối tượng còn gọi điện đến Bưu điện tỉnh Thái Nguyên nói linh tinh. Từ thông tin nói trên, Ban chuyên án đi đến nhận định kẻ phạm tội có thể ở nơi khác đến và hắn phạm tội có hệ thống.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang, suốt mấy tháng qua, các mũi trinh sát, điều tra viên đã đi hàng nghìn cây số khắp các chặng đường đến các tỉnh, thành như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tây, Nam Định, Vĩnh Phúc... để phối hợp với Công an các tỉnh bạn rà soát đối tượng.
Cho đến giữa tháng 9/2007, nỗ lực của lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Tuyên Quang mới được đền đáp. Các anh đã phát hiện ra kẻ gây án là Đỗ Đình Học, 27 tuổi, ở xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá, nhưng hiện đang ở cùng người nhà tại phố Gia Ngư, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ngày 16/9, tên siêu lừa đã bị bắt.
Tiếc thay một kẻ có tài
Quả thực, các điều tra viên cũng như chúng tôi đều thấy tiếc cho Đỗ Đình Học. Vì xét công bằng, gã là một người thông minh. Gã vừa tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa chuyên ngành chế tạo ôtô. Gã cũng đang học tiếng Nhật, quyết thi lấy một suất học bổng cao học tại đất nước Nhật Bản.
Nhà Học lại thuộc diện khá giả, bố mẹ có một gara ôtô khá lớn ở ngay TP Thanh Hoá. Tuy nhiên, vì không chịu rèn tư cách, bị các thói xấu và tệ nạn lôi kéo nên Học đã biến mình thành kẻ phạm tội.
Theo lời khai của Học thì do nhiều lần được bố mẹ gửi tiền chu cấp theo phương thức chuyển nhanh tại bưu điện nên Học đã nắm được một số sơ hở trong dịch vụ này. Gã mua một simcard đã qua sử dụng, nạp tiền, gọi đến các đầu mối chuyển tiền nhanh của bưu điện các tỉnh phía Bắc và tự xưng là cán bộ của Trung tâm chuyển tiền nhanh thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), yêu cầu bưu điện các tỉnh phải báo cáo danh sách người chuyển tiền trong ngày (trong đó có cả địa chỉ và số điện thoại người gửi và người nhận).
Không hiểu vì sợ cấp trên hay sơ suất trong nghiệp vụ mà các cán bộ phụ trách vấn đề này của bưu điện một số tỉnh đã răm rắp đọc cho "cán bộ" Học theo yêu cầu. Học quyết định chọn lựa 2 con mồi đầu tiên là anh Kiên, ở tỉnh Thái Nguyên được người nhà gửi cho 97 triệu đồng và anh Thành, ở tỉnh Tuyên Quang được người quen ở Hải Phòng gửi cho 100 triệu đồng.
Vụ lừa anh Kiên bất thành. Sau khi lừa lấy được CMND của anh Thành, Học ra ngay Bưu điện tỉnh Tuyên Quang lấy tiền, gã còn định thưởng cho cô nhân viên mấy trăm nghìn nhưng bị từ chối.
Hiện nay, Công an tỉnh Tuyên Quang đã thông báo cho gia đình Học về trường hợp phạm tội của con trai họ.
Theo các điều tra viên, khi nhận điện thoại, bố mẹ Học lặng đi, bởi họ cũng biết con trai mình có biểu hiện đua đòi, ham lô đề, thế nhưng không ngờ nó lại hư hỏng đến thế. Học là đứa con học giỏi nhất nhà, khi tốt nghiệp nó đã mang tấm bằng về khoe bố mẹ khiến cả nhà mừng. Rồi nó bảo đang ôn thi chuẩn bị đi du học Nhật Bản, đâu ngờ...
Ý kiến bạn đọc