Xét xử phúc thẩm vụ TNGT trên đường Láng-Hoà Lạc:
Chỉ có 15/50 nhân chứng được triệu tập có mặt tại phiên tòa
Sáng 18/4, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường Láng Hòa Lạc được tiếp tục theo đúng kế hoạch. Chỉ có 15/50 nhân chứng được HĐXX triệu tập có mặt tại phiên tòa. Phần lớn nhân chứng vắng mặt đều không có lý do.
Quang cảnh phiên tòa
Đây chính là nguyên nhân khiến cho thủ tục phiên tòa kéo dài tới hơn một tiếng đồng hồ.
Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, HĐXX đã triệu tập 50 nhân chứng, 4 giám định viên, 3 đại diện có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, chỉ có 12 nhân chứng, 4 giám định viên và 2 đại diện liên quan có mặt tại Tòa. Trong đó, toàn bộ 10 cán bộ công an được Tòa triệu tập đều có mặt. Đại diện gia đình hai nạn nhân thắc mắc và không đồng ý với việc thiếu vắng quá nhiều nhân chứng, trong đó vắng mặt nhiều nhân chứng quan trọng chứng kiến trực tiếp hiện trường khi vụ án xảy ra, ảnh hưởng lớn đến việc nhận định bản chất vụ án.
Xét đề nghị của gia đình nạn nhân, thẩm phán Đào Văn Tiến (chủ tọa phiên tòa) đã quyết định áp dụng biện pháp dẫn giải đến Tòa đối với ba nhân chứng là: Đỗ Như Tiến, Trương Thị Bích Thủy, Trần Đăng Hòa. Ông chủ tọa cũng yêu cầu cảnh sát bảo vệ phiên tòa thực hiện lệnh dẫn giải này ngay trong sáng nay.
Ngay khi bắt đầu phần xét hỏi, HĐXX đã thẩm vấn hai nhân chứng là Nguyễn Phước Cẩm Chi và Đỗ Thị Mai Hoa, Vũ Minh Phương xoay quanh các diễn biến khi vụ tai nạn xảy ra như: Có người bị tai nạn mặc áo đỏ không? Có thấy hai xe cùng chạy song song hay không? Vận tốc của xe lúc đó là khoảng bao nhiêu?
Sáng hôm qua, phiên phúc thẩm này đã được mở, nhưng sau đó lại bị tạm dừng vì mẹ của nạn nhân Phạm Phương Linh là bà Nguyễn Phương Dung không nhận được giấy mời tham dự phiên tòa.
Trước phiên phúc thẩm lần ba, gia đình bị hại Phạm Phương Linh và Phạm Anh Thư kiến nghị TAND Tối cao triệu tập gần 50 người tới tòa. Đây là những người liên quan, nhân chứng bắt buộc... Việc có mặt cùng với lời khai của họ sẽ làm sáng tỏ nhiều tình tiết còn uẩn khúc. “Tòa nên cứng rắn áp giải để phục vụ phiên xử. Nếu vắng mặt, đề nghị hoãn phiên tòa”, bố và mẹ các nạn nhân trình bày. Trong danh sách đề nghị triệu tập có 6 công an tham gia khám nghiệm hiện trường cùng 7 người khác của Công an Hà Nội.
Cuối tháng 12/2006, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm lần ba xét xử lại vụ án. 2 lần trước, các bản án sơ thẩm đều bị cấp phúc thẩm tuyên hủy vì nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ, mắc nhiều sai phạm về thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, nội dung bản án lần 3 của TAND Hà Nội hầu như không thay đổi so với những phán quyết trước đó. Phạm Hồng Quân tiếp tục bị tuyên phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, mức án giữ nguyên 8 năm, giống bản án sơ thẩm lần hai.
Từ năm 2002 tới nay, vụ án dường như vẫn chưa đi đến hồi kết khi những bức xúc của gia đình bị hại chưa được giải đáp thỏa đáng. Tới thời điểm này, Phạm Hồng Quân bị tạm giam đã 6 năm.
Hai phiên phúc thẩm trước của TAND Tối cao đều hủy án sơ thẩm. Phiên xử phúc thẩm lần thứ ba được mở theo kháng cáo của gia đình các nạn nhân và bị cáo Phạm Hồng Quân.
Ý kiến bạn đọc