Xét xử vụ lừa đảo xuất khẩu lao động chiếm đoạt gần 8 tỷ đồng
Khi sự việc bại lộ, Nguyễn Thị Lan đã bỏ trốn. Song chỉ ngày sau, Lan đã bị bắt theo lệnh truy nã. Cùng ngày, cơ quan CSĐT cũng đã tiến hành bắt khẩn cấp đối với Phạm Thị Lập và Trần Anh Tuấn...
Do có sự quen biết Phạm Thị Lập từ trước nên Nguyễn Thị Lan đã thông báo cho Phạm Thị Lập biết việc Quân khu 3 (Hải Phòng) đang tuyển người đi lao động Hàn Quốc đối với quân nhân xuất ngũ theo chỉ tiêu Bộ Quốc phòng và bàn với Lập tìm đường dây chạy cho số lao động của Công ty Lan Giang (không phải quân nhân xuất ngũ) đi theo chỉ tiêu của Quân khu 3.
Có được thông tin trên, Lập đã tìm Bùi Văn Trung (không nghề nghiệp) ở phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, Hải Phòng và thống nhất với nội dung "Trung lo thủ tục hồ sơ quân nhân xuất ngũ với số tiền đặt cọc 5.000 USD/người". Lập báo cho Lan biết có đường dây chạy cho người lao động không phải quân nhân xuất ngũ đi theo chỉ tiêu của Quân khu 3.
Lan đã gặp và thỏa thuận với Trần Anh Tuấn (anh trai Minh Nguyệt - nhân viên Công ty Lan Giang) để nhờ Tuấn làm môi giới lao động. Số tiền bọn họ thống nhất thu của mỗi người lao động là 8.000 USD/người. Trong đó, Tuấn nộp cho Công ty Lan Giang 6.000 USD/người và hưởng lợi 2.000 USD/người. Lan chuyển cho Lập 5.300 USD/người, hưởng lợi 700 USD/người.
Để tạo lòng tin với các đầu mối thu tiền của người lao động, Lan đã tổ chức ăn uống cùng Trần Anh Tuấn và một số đầu mối, trong số đó có anh Trần Văn Khảm - Bộ đội Biên phòng. Lan giới thiệu với mọi người: "Anh Khảm là chồng tôi, hiện là Đại tá Quân đội. Đơn vị anh Khảm đang có chỉ tiêu tuyển người đi lao động Hàn Quốc đối với quân nhân xuất ngũ. Công ty Lan Giang được tuyển người theo chỉ tiêu của Bộ Quốc phòng". Đồng thời Lan phổ biến "lao động nào được đi theo tiêu chuẩn chỉ tiêu của Quân khu 3 phải nộp 8.000 USD và 2,5 triệu đồng (tiền học nghề). Nếu muốn đi theo chỉ tiêu của Quân khu Thủ đô phải nộp 5.000 USD và 2,5 triệu đồng (tiền học nghề). Thời gian xuất cảnh nhanh nhất là ba tháng.
Với cách giới thiệu như trên, chỉ trong một thời gian ngắn. Lan và các đồng phạm đã thu tiền của 101 người. Tiếp đó, Lan đưa 52 người xuống Hải Phòng để Lập đưa vào học nghề hàn tại Trường Công nhân Kỹ thuật bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng An Dương, theo hợp đồng đào tạo vợi Công ty cổ phần Sông Biển - Bắc Nam. Học nghề xong, các lao động không được xuất cảnh theo cam kết của Công ty Lan Giang.
Để trấn an người lao động, Lập đưa cho Lan thông báo của Phòng Chính sách Sư đoàn, thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, thông báo đi Hàn Quốc làm hai đợt. Đợt 1 vào ngày 18-4-2005, đợt 2 vào ngày 12-5-2005. Lan gửi thông báo này cho các đầu mối để tạo thêm niềm tin cho người lao động. Do có thông báo này nên người lao động rất tin tưởng và tiếp tục chờ đợi sự hứa hẹn của Lập và Lan.
Ngày 11-7-2005, Lập tổ chức cho 18 người lao động ký hợp đồng làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc. Hợp đồng mang tên Trung tá Phạm Xuân Hải, thuộc đơn vị chính sách Bộ Quốc phòng và đóng dấu Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên trong hợp đồng lại ghi chung chung, nên người lao động yêu cầu hợp đồng phải ghi rõ địa chỉ, nơi làm việc tại Hàn Quốc.
Ngày 13-7-2005, Lập tổ chức cho 18 người ký lại hợp đồng, nơi làm việc tại Nhà máy Bạch Mã Seoul- Hàn Quốc. Nhận được thông tin này, Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng đã kiểm tra và khẳng định "Toàn bộ hồ sơ mà Lập sử dụng con dấu của Quân đội đưa cho người lao động là giấy tờ giả".
Trong tổng số tiền đã thu của người lao động (610.700 USD +237.500.000 đồng), Lan khai đã đưa cho Lập 220.000 USD và 61 triệu đồng; Hà Văn Hùng 48.500 USD và 11 triệu đồng; Trần Anh Tuấn 122.000 USD và trả 50 triệu đồng tại Trung tâm FLAI.
Hiện tại các bị can (không có khả năng khắc phục hậu quả. Cơ quan điều tra xác định: Nguyễn Thị Lan chiếm đoạt hơn 6,9 tỷ đồng, Phạm Thị Lập chiếm đoạt hơn 730 triệu đồng, và Trần Anh Tuấn chiếm đoạt hơn 225 triệu đồng.
Dự kiến ngày 29-3, HĐXX sẽ tuyên án.
Ý kiến bạn đọc