Chính sách về người lao động đi làm việc ở nước ngoài và các hình thức đi làm việc ở nước ngoài
Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm tạo việc làm, nâng cao trình độ tay nghề, tiếp cận công nghệ tiên tiến cho người lao động. Quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động, ngoài tám điều trong Bộ luật Lao động, chủ yếu được quy định trong các Nghị định của Chính phủ.
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được QH thông qua ngày 29-11-2006 tại kỳ họp thứ 10 QH khoá XI và có hiệu lực thi hành từ 1-7-2007. Đây là đạo luật quan trọng được dư luận xã hội, doanh nghiệp và người lao động rất quan tâm và là văn bản pháp lý cao nhất trong hơn hai mươi năm qua, kể từ khi hoạt động xuất khẩu lao động được tổ chức thực hiện như một chính sách giải quyết việc làm, đào tạo đội ngũ lao động cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và trong giai đoạn hiện nay đang là một trong những hoạt động kinh tế-xã hội có đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế nước nhà.
Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề, tiếp cận công nghệ tiên tiến cho người lao động.
Nước ta đã hợp tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài từ năm 1980. Trong thời kỳ từ 1980-1990, hợp tác lao động của nước ta chủ yếu thông qua các Hiệp định Chính phủ với Liên Xô (cũ), một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và một số nước ở Trung Đông. Trong giai đoạn này, hợp tác lao động được thực hiện theo kế hoạch của Nhà nước do các cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện.
Từ năm 1991 đến nay, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện theo cơ chế thị trường, Nhà nước chủ yếu làm chức năng quản lý, mở thị trường, các doanh nghiệp ký kết hợp đồng và trực tiếp đưa, quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài.
Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 22-9-1998 của Bộ Chính trị về xuất khẩu lao động và chuyên gia và chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 1999 đến nay, cả nước đã có gần 400.000 người đi làm việc ở nước ngoài, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài lên gần 500.000 người.
Thu nhập của người lao động bình quân những năm gần đây khoảng 1,5 tỷ USD/năm. Chất lượng nguồn lao động từng bước được cải thiện, đội ngũ doanh nghiệp được hình thành, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả…
Quy định hiện hành của pháp luật về xuất khẩu lao động, ngoài tám điều trong Bộ luật Lao động, chủ yếu được quy định trong các Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, pháp luật hiện hành trong lĩnh vực này còn bất cập và chưa đồng bộ.
Để phát triển hoạt động xuất khẩu lao động trong thời gian tới phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, quản lý chặt chẽ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, QH đã thông qua Luật này.
Phạm vi điều chỉnh của Luật bao quát toàn bộ các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Khái niệm “đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” đã bao gồm toàn bộ các hình thức đi làm việc ở nước ngoài một cách đầy đủ với ý nghĩa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (như nghị định 81), bảo đảm việc người lao động có thu nhập và các điều kiện về lao động được thể hiện trong hợp đồng.
Về đối tượng áp dụng, theo quy định của Luật, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được điều chỉnh rộng hơn, bao gồm: doanh nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp nhận thầu, đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra bổ sung thêm loại hình doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập, nâng cao tay nghề.
Tại Điều 5, Luật đã quy định rất rõ chính sách của Nhà nước ta về người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân Việt Nam có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài; Bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài và của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Hỗ trợ đầu tư mở thị trường lao động mới, thị trường có thu nhập cao, thị trường tiếp nhận nhiều người lao động; hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động; Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách xã hội đi làm việc ở nước ngoài;
Khuyến khích đưa nhiều người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, đưa người lao động đi làm việc ở thị trường có thu nhập cao; khuyến khích đưa người lao động đi làm việc tại công trình, dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trúng thầu, nhận thầu, đầu tư thành lập ở nước ngoài.
Luật cũng quy định rất rõ các hình thức đi làm việc ở nước ngoài (Điều 6). Theo đó, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo một trong các hình thức sau đây:
Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề. Một hình thức nữa là hợp đồng cá nhân.
Ý kiến bạn đọc