Bảo đảm giao thông Trước, trong và sau tết Nguyên đán
Còn 1 tháng nữa là đến tết Nguyên đán, một tết cổ truyền của dân tộc, cũng là một trong những ngày tết truyền thống lớn nhất mà tất cả các người dân Việt Nam dù đang sống ở đâu cũng hướng về quê hương, hướng về nơi “chôn rau, cắt rốn”.
Không những thế trong nền kinh tế “mở cửa”, phát triển kinh tế hàng hoá, thương mại, dịch vụ, du lịch làm chủ đạo thì lượng người và phương tiện giao thông ngày một đông hơn.
Chỉ tính từ đầu năm 2006, đến những ngày đầu năm 2007 này, số phương tiện được đăng ký trên đia bàn đã tăng cả chục nghìn chiếc là ô tô, xe máy, cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng phương tiệnvà tham gia giao thông ngày càng lớn. Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh số phương tiện đang quản lý là gần 60.000 chiếc, trong đó có gần 3.000 xe ô tô các loại, còn lại là xe máy, chưa kể số phương tiện trôi nổi ở các vùng sâu xã của tỉnh.
Một câu hỏi không thể dành riêng cho ngành giao thông vận tải, cũng không riêng của lực lượng Thanh tra giao thông, mà là câu hỏi cho mọi cấp, mọi ngành để bảo vệ tốt các công trình giao thông và bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Không những thế, trong dịp cuối năm âm lịch này, số lượng hàng hoá cần lưu thông tăng vọt, như hàng tết phục vụ đồng bào các vùng trong tỉnh, sản phẩm từ ruộng, từ rừng, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng chế biến lâm sản cần được vận chuyển về các điểm tiêu thụ, hàng xuất khẩu của tỉnh ta và các tỉnh bạn đi qua địa bàn. Các phương tiện vận chuyển hành khách cũng tăng nhanh, không riêng gì những xe khách ở tỉnh nhà, mà xe khách của hàng chục tỉnh bạn, như xe khách Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Nội... cũng tăng cường lưu lượng, tăng chuyến, tăng giờ và họ còn “vụng trộm” tăng cả trong tải vận chuyển về hàng và số người, số ghế. Đặc biệt là có nhiều phương tiện của tư thương lên với tỉnh ta để gom hàng phục vụ “tết nguyên đán vùng xuôi”, thu lợi nhanh trong dịp tết mà chỉ miền rừng núi hay ở tỉnh ta mới có, như cam quả Bắc Quang, bò núi đá Đồng Văn, Mèo Vạc, lá dong, thảo quả ngâm, chè....
Làm việc với ông Hoàng Quyết Chiến, Giám đốc sở Giao thông vận tải, ông cho biết: Để bảo đảm an toàn giao thông trong dịp tết nguyên đán này, không riêng gì sở Giao thông vận tải mà Ban Thanh tra giao thông, công an giao thông tỉnh, công an giao thông các huyện trên địa bàn cũng đã có kế hoạch triển khai cụ thể trên địa bàn, ngoài kế hoạch kết hợp với các ngành liên quan. Hầu hết kế hoạch bảo đảm ATGT đã được triển khai ở tất cả các huyện và các tuyến giao thông huyết mạch, bảo đảm cho lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, các tuyến đường thông suốt trong dịp tết. Nhưng cũng không thể loại trừ nhiều khó khăn trong bảo đảm ATGT trên các huyện vùng cao, do yếu tố thời tiết, yếu tố kết cấu cơ sở hạ tầng và nhiều yếu tố liên quan khác. Như ý thức bảo vệ các công trình giao thông, các biển báo hiệu, rào chống nạn, cột mốc, hành lang ATGT của người dân. Vẫn còn không ít những trường hợp lấn chiếm hành lang làm nơi sản xuất, chăn thả gia súc, gia cầm, mở đường ngang mà không được phép của các cơ quan chức năng. Đồng thời trong dịp giáp tết nguyên đán này cũng phát sinh nhiều vấn đề cần được giải quyết một cách dứt điểm ngay từ cấp chính quyền cơ sở, như việc mở quán bán cam, quýt bám theo Quốc lộ 2 từ Vĩnh Tuy lên Hà Giang, mà nhiều nhất là ở Km 36-43, Km 75-76 hay xếp củi chiếm hành lang đường ở Quốc lộ 34, đoạn đường thuộc xã Yên Định, Bắc Mê...
Những ngày cuối năm này cùng với các ngành, các cấp chính quyền Ban Thanh tra giao thông, sở Giao thông vận tải tỉnh đã tập trung lực lượng, tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm ATGT, bảo vệ tốt nhất các công trình giao thông. Nhưng để đạt được kết quả như mong muốn, các địa phương có đường giao thông đi qua cần nâng cao nhận thức của người dân để bảo vệ hành lang, lòng nề đường, thực hiện tốt chỉ thị của chính phủ về trật tự án toàn giao thông đường bộ. Đồng thời các địa phương, gia đình và các trường học cần nhắc nhở học sinh thực hiện tốt Luật giao thông, đặc biệt ở các trường lớn, tập trung nhiều học sinh, như Trường THPT Ngọc Hà, Lê Hồng Phong, trường THCS Yên Biên (Thị xã Hà Giang); các trường học ở thị trấn Vị Xuyên, Bắc Quang và những trường học bám theo các trục nộ giao thông trong tỉnh. Đây cũng là một “đầu mối” có nguy cơ cao để xẩy ra mất ATGT đường bộ khi mỗi giờ tan trường.
Ý kiến bạn đọc