Hàng Việt trong đời sống đồng bào vùng cao
BHG - Đồng bào vùng cao ngày càng được tiếp cận nhiều loại hàng hóa trong nước sản xuất, với kiểu dáng đa dạng, chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... Hàng Việt luôn là sự lựa chọn sáng suốt trong cuộc sống thường ngày của người dân, bởi giá thành hợp lý, tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Hàng Việt đa dạng mẫu mã, thiết thực với cuộc sống thường ngày của người dân vùng cao. |
Chương trình đưa hàng Việt về vùng cao đã tạo điều kiện các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước được tiếp cận với thị trường vùng cao, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống người dân. Chị Mua Thị Máy, xã Niêm Tòng (Mèo Vạc) tâm sự: Phiên chợ đưa hàng Việt đến đồng bào vùng cao, với nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, màu sắc như: Đồ điện, máy móc nông nghiệp, đồ gia dụng, thực phẩm, quần áo… rất hữu ích, giúp người dân được tiếp cận với nhiều mặt hàng tốt, uy tín, tem mác rõ ràng, đầy đủ về thông tin; đồng thời, giúp đồng bào có thêm kiến thức về cách phân biệt hàng thật với hàng giả, hàng nhái. Hàng hóa trong nước sản xuất ngày càng chiếm được lòng tin của người dân địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và thói quen sử dụng hàng Việt.
Anh Sùng A Pó, xã Phố Là (Đồng Văn) kinh doanh tạp hóa chia sẻ: Cách đây hơn 15 năm hàng hóa sản xuất trong nước chỉ chiếm gần 40%, còn lại là hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Nhưng từ khi có Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì đồng bào đã tiếp cận, sử dụng nhiều hàng hóa trong nước, nhận thấy chất lượng tốt, giá thành phù hợp, an toàn với sức khỏe. Hàng hóa trong gia đình tôi hiện nay gần 100% là hàng Việt Nam, được nhập từ các nhà phân phối uy tín trong tỉnh, từng sản phẩm được ghi đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp với người tiêu dùng.
Theo lãnh đạo Sở Công thương: Sở đã xây dựng được hệ thống phân phối hàng Việt bao phủ rộng từ trung tâm huyện đến thôn, bản vùng cao. Hệ thống phân phối chủ yếu là các nguồn hàng trong nước, giúp đồng bào vùng cao dễ dàng tiếp cận, mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời, việc tổ chức các hội chợ, chương trình khuyến mại, chương trình đưa hàng Việt lên vùng cao giúp đồng bào được tiếp cận, mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp tốt với Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cùng chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại. Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong nước, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Chủ động điều tra, khảo sát thị trường, nhu cầu tiêu dùng của đồng bào vùng cao, giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh, đảm bảo hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu, khả năng tiêu dùng của đồng bào. Thực hiện các hoạt động bình ổn thị trường, giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu theo quy định của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đồng bào vùng cao được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất...
Hàng hóa sản xuất trong nước đã đem lại nhiều lợi ích trong đời sống thường ngày của đồng bào vùng cao. Người dân ngày càng tin tưởng vào hàng hóa trong nước sản xuất, đó là thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bài, ảnh: ĐỨC NINH
Ý kiến bạn đọc