Hàng Việt ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng
BHG - Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã giúp người dân trong tỉnh nhận biết được lợi ích thiết thực khi sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, góp phần gắn kết giữa doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với người dân trong tỉnh, tạo đà thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ tại địa phương.
Các bậc phụ huynh tìm mua đồ dùng học tập do Việt Nam sản xuất tại Thế giới sách (thành phố Hà Giang). |
Hiện nay, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ trung tâm các xã, thị trấn bày bán nhiều loại hàng hóa, với đa dạng các sản phẩm từ lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, các thiết bị điện, vệ sinh, đồ gia dụng, dụng cụ học tập… Các mặt hàng đều ghi rõ ràng nguồn gốc, nhãn hiệu, gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước ngày càng thể hiện trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Người dân trong tỉnh ngày càng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước và trở thành lựa chọn không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Chị Mua Thị Mỷ, xã Má Lé (Đồng Văn) chia sẻ: Khu vực biên giới có khá nhiều sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, nhưng không có thông tin, thành phần, nhãn phụ tiếng Việt nên tôi và bà con không dám sử dụng, chỉ tin dùng các sản phẩm do Việt Nam sản xuất có mẫu mã đẹp, bắt mắt, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao, giá cả phù hợp như: Mì tôm Ba Miền, bột canh Thiên Hương, kem đánh răng Ngọc Châu, dầu rửa bát Mỹ Hảo, bột giặt Vì Dân, nhựa Song Long, bánh kẹo Hải Hà…
Đầu năm học mới, các bậc phụ huynh tấp nập đưa con em mình đi lựa chọn sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập… do Việt Nam sản xuất tại các cửa hàng tạp hóa, hiệu sách, siêu thị trên toàn tỉnh. Chị Nguyễn Thị Thủy, phường Trần Phú (thành phố Hà Giang) tâm sự: Tôi thường mua các vật dụng phục vụ cho quá trình học tập của các con tại cửa hàng Thế Giới Sách ngay khu vực gần chợ trung tâm thành phố. Nơi đây, bán nhiều sản phẩm do Việt Nam sản xuất như: Bút bi Bến Nghé, Thiên Long, Vĩnh Tiến; vở Thuận Tiến, Hải Yến; màu tô Mic, Hồng Ân; hộp bút Hoàng Phú, Thắng Lợi; cặp sách Ha Mi, Nam Phong… Với nhiều mẫu mã đa dạng, nhiều sắc màu, giá cả niêm yết rõ ràng từ 2.000 – 500.000 đồng/sản phẩm.
Tỉnh ta luôn hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường và quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đến người tiêu dùng gắn với Chương trình OCOP; giới thiệu các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ mới của các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân xây dựng văn hóa người tiêu dùng của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thời gian tới, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt; hỗ trợ đổi mới, ứng dụng khoa học – công nghệ cho các doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa, sản phẩm. Điều tra, khảo sát thị trường, thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng, mạng lưới phân phối; tổ chức triển lãm, hội chợ, xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về với vùng sâu, vùng cao, biên giới. Đồng thời, tăng cường quản lý thị trường, đấu tranh, xử lý các trường hợp vi phạm bản quyền, hàng giả, hàng kém chất lượng, gây dựng niềm tin với người tiêu dùng. Ban hành cơ chế, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các hộ dân tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu và yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa do Việt Nam sản xuất...
Bài, ảnh: THÁI KHANG
Ý kiến bạn đọc