Mèo Vạc phát triển sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh vùng miền
BHG - Đến nay, huyện Mèo Vạc có 15 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao OCOP cấp tỉnh. Đây đều là những sản phẩm được phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh, đặc trưng của địa phương.
Lãnh đạo huyện tham quan mô hình nuôi ong Bạc hà của Hợp tác xã Tuấn Dũng. |
Từ lâu, cây Bạc hà mọc hoang dại đã gắn bó với đời sống hàng ngày của người dân vùng cao Mèo Vạc. Mặc dù tồn tại ở độ cao từ 1 – 1,5 nghìn mét so với mực nước biển, sống trên địa hình phức tạp, nơi thừa đá thiếu đất, khí hậu khắc nghiệt, song cây Bạc hà ở Mèo Vạc vẫn kiên cường để sinh trưởng và phát triển, tạo nên nguồn nguyên liệu quan trọng sản xuất ra sản phẩm mật ong Bạc hà nức tiếng. Đến nay, huyện có 4 sản phẩm mật ong Bạc hà được công nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh của 2 chủ thể là: Hợp tác xã (HTX) Tuấn Dũng và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng.
Sản phẩm OCOP thịt bò khô của Hợp tác xã Đại Dương được trưng bày, giới thiệu tại các sự kiện lớn của huyện. |
Lợn đen Lũng Pù là vật nuôi quen thuộc của người dân huyện Mèo Vạc. Ưu điểm của vật nuôi này là có khả năng chống chịu được với thời tiết khắc nghiệt, sức đề kháng cao, đặc biệt là có chất lượng thịt ngon, dai; giá trị kinh tế cao gấp từ 1,5 – 2 lần so với các giống lợn lai, lợn ngoại trên địa bàn. Giống lợn này được Viện Chăn nuôi và Dự án BIODIVA khẳng định cần được nghiên cứu bảo tồn và khai thác có hiệu quả cho cộng đồng. Trên cơ sở ưu điểm của vật nuôi này, HTX Tuấn Dũng đã phát triển chăn nuôi lợn đen Lũng Pù theo hướng gia trại. Một mặt, HTX chăn nuôi lợn sinh sản nhằm bảo tồn và cung cấp giống lợn ra thị trường; mặt khác, HTX chăn nuôi lợn thương phẩm để phục vụ nhu cầu của người dân, nhà hàng. Đặc biệt, từ chăn nuôi lợn thương phẩm, HTX đã xây dựng được sản phẩm thịt lợn đen Lũng Pù đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh.
Bên cạnh phát triển chăn nuôi lợn và ong, huyện Mèo Vạc còn có nhiều cây trồng, vật nuôi thế mạnh, mang đặc trưng vùng miền như: Tam giác mạch, lúa Khẩu mang, ngô, chè Shan tuyết, bò Vàng, dê, gà đen… Từ những cây trồng, vật nuôi thế mạnh này, huyện xây dựng, phát triển được một số sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao cấp tỉnh như: Thịt bò khô Cao nguyên đá, giò bò, rượu ngô Chí Sán, Kẹo Tam giác mạch mật ong Bạc hà, chè cao nguyên xanh…
Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Hồng Mí Sinh cho biết: Việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng sản phẩm OCOP được huyện triển khai đồng bộ đến các cơ quan, đơn vị, chủ thể và người dân. Thông qua thực hiện chương trình OCOP, bước đầu khai thác, sử dụng hiệu quả, phát huy được tiềm năng, thế mạnh một số sản phẩm hàng hóa nông, nghiệp chủ lực của huyện, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, giảm nghèo bền vững, đồng thời xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc