Từng bước phát triển thương hiệu chè hữu cơ Nà Toong
BHG - Được thành lập từ tháng 9.2017, Hợp tác xã (HTX) trồng và chế biến chè Thanh Thủy (thôn Nà Toong, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên) đã và đang dần phát triển, khẳng định hiệu quả kinh tế và thương hiệu chè hữu cơ Nà Toong. Được xã Thanh Thủy lựa chọn là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương.
Thành viên HTX trồng và chế biến chè Thanh Thủy thu hái chè hữu cơ. |
Vùng chè của HTX nằm trên những ngọn núi cao, nhờ khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi nên những cây chè nơi đây xanh tốt, mang theo hơi thở tươi mát của địa hình vùng núi phía Bắc Vị Xuyên. Tới thăm HTX, chúng tôi được ông Lý Văn Phúc, Giám đốc HTX dẫn đi tham quan nương chè và xưởng chế biến chè. Ông cho hay: “Người dân ở đây đã có kinh nghiệm trồng chè từ lâu, trước đây cũng đã bán ra thị trường nhưng không được giá cao, mặc dù chất lượng đảm bảo và hương vị rất ngon”. Từ những điều trăn trở, ông tìm hiểu nguyên nhân và nhận thấy, sở dĩ chè của vùng quê mình bán không được giá vì không có thương hiệu, cách làm riêng lẻ, kỹ thuật chế biến không đồng đều, thị trường không ổn định. Từ đó, ông tiên phong đứng ra tập hợp một số hộ trong thôn thành tổ hợp tác để cùng nhau trồng và bán sản phẩm. Khi đó, sản phẩm chè hữu cơ Nà Toong chủ yếu bán lẻ trong tỉnh.
Giám đốc HTX trồng và chế biến chè Thanh Thủy sao chè. |
Khi sản phẩm bán ra ổn định, năm 2017, ông Phúc và các thành viên trong tổ hợp tác quyết định tạo thương hiệu riêng và thành lập HTX trồng và sản xuất chè Thanh Thủy với số vốn điều lệ hơn 200 triệu đồng với 13 thành viên tham gia. Từ khi thành lập, HTX thường xuyên đến từng gia đình giúp người dân có thêm kinh nghiệm trồng, thu hoạch và chế biến chè; từ đó có thể đảm bảo về chất lượng khi thu hoạch. Hiện nay, mỗi hộ có khoảng 4 ha chè hữu cơ, tổng diện tích nguyên liệu của HTX có khoảng 150 ha; trung bình mỗi năm, HTX bán ra thị trường trên 4 tấn chè khô với doanh thu đạt trên 800 triệu đồng. Nhờ đó, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, góp phần ổn định đời sống cho bà con nơi đây.
Chị Giàng Thị Vàng – hộ trồng chè thôn Nà Toong, chia sẻ: “Trước đây biết trồng nhưng bán ra mỗi vụ được mấy triệu thôi, không đủ tiền sinh hoạt. Thấy khó khăn quá, tôi định bỏ không trồng chè nữa, nhưng được cán bộ xã vận động cùng tham gia HTX, kinh tế gia đình tôi giờ đã ổn định hơn. Hiện tại, mỗi năm tôi thu về được cả trăm triệu đồng, nhiều người còn tìm đến tận nhà mua vì biết chè sạch và được thu hoạch đảm bảo”. Hiện, sản phẩm của HTX đã xuất bán ra thị trường rộng hơn, không chỉ bán lẻ trong tỉnh mà còn xuất bán sang các tỉnh lân cận, đưa sản phẩm tới nhiều người tiêu dùng. Chè hữu cơ Nà Toong đang được xã Thanh Thủy tập trung phát triển; dự định sẽ đầu tư thêm cơ sở trang thiết bị phục vụ cho việc chế biến; nâng cao năng suất lao động, đảm bảo thu nhập cho người trồng chè hơn nữa.
Không chỉ dừng lại thị trường trong tỉnh, thời gian tới HTX sẽ mở rộng thêm thị trường, quy mô sản xuất; tạo ra nhiều sản phẩm mới từ chè đồng thời phát triển thêm dịch vụ, thu hút nhiều khách hàng tiềm năng; khẳng định được thương hiệu chè Hà Giang trên thị trường trong nước.
Bài, ảnh: KIM LIÊN (Thành phố Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc