Phát huy hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Bắc Mê
BHG - Hiện nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Bắc Mê đã khẳng định được thương hiệu, tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng như: tinh bột nghệ vàng, gia vị tinh dầu hồi... Tuy nhiên, để Chương trình OCOP phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay, đòi hỏi địa phương phải có những giải pháp, hướng đi mới nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa các tiềm lực, thế mạnh sẵn có.
Người dân tìm hiểu sản phẩm tinh bột nghệ vàng đạt 4 sao của HTX dịch vụ Nông, lâm nghiệp Ngọc Sơn. |
Đến nay trên địa bàn huyện đã có 5 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó sản phẩm 4 sao là tinh bột nghệ vàng của HTX dịch vụ Nông lâm nghiệp Ngọc Sơn; sản phẩm 3 sao như: gia vị tinh dầu hồi lọ 20ml, gia vị tinh dầu hồi lọ 30ml của HTX Thanh niên khởi nghiệp Thành Công. Dựa trên các sản phẩm nông sản của địa phương, huyện Bắc Mê đã xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển, vận động các hộ dân tổ chức lại sản xuất; thực hiện chính sách hỗ trợ mẫu mã bao bì, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại...
Ông Trần Quý Bình, Giám đốc HTX Thanh niên khởi nghiệp Thành Công giới thiệu 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, như: gia vị tinh dầu hồi lọ 20ml, gia vị tinh dầu hồi lọ 30ml. Ông Bình khẳng định, tham dự Chương trình OCOP là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm, tạo thêm nguồn sinh kế cho thành viên HTX. Sản phẩm của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường; HTX rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ trong tổ chức quản lý, mở rộng, tạo vùng nguyên liệu sản xuất bền vững.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển thương hiệu nông sản địa phương, Bắc Mê vẫn còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế. Trước hết là tư tưởng và nhận thức của người sản xuất chưa đầy đủ về Chương trình OCOP; chưa xác định được mục tiêu của sản phẩm; sự vào cuộc của người dân và các tổ chức, cá nhân còn hạn chế; sản phẩm đặc thù còn manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Các doanh nghiệp, HTX và người dân chưa chú trọng đến việc xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm...
Để thương hiệu nông sản địa phương phát triển bền vững, huyện Bắc Mê đã xác định rõ đây là chương trình mang lại hiệu quả cao trong phát triển KT-XH và nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định để người dân yêu tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, huyện đã quy hoạch chi tiết vùng sản xuất tập trung cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Xây dựng cơ chế hỗ trợ các mô hình dự án, mẫu mã bao bì cho các sản phẩm tham gia chu trình OCOP. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận với Chương trình OCOP, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bài, ảnh: VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc