"Chắp cánh" cho sản phẩm mật ong Thảo quả

08:59, 24/04/2019

BHG - Hợp tác công – tư giữa Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) với hộ kinh doanh Tô Thị Vân Anh, xã Nấm Dẩn (Xín Mần) được ký kết vào cuối năm 2017 nhằm thực hiện Tiểu dự án “Phát triển nuôi ong lấy mật, xây dựng và quản lý nhãn hiệu mật ong Thảo quả”. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình CPRP, đến nay cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong Thảo quả Vân Anh đã và đang phát triển về quy mô cũng như chất lượng, sản phẩm mật ong Thảo quả được thị trường ưa chuộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. 

Máy tách thủy phần được cơ sở Vân Anh đầu tư nhằm nâng cao chất lượng mật ong.
Máy tách thủy phần được cơ sở Vân Anh đầu tư nhằm nâng cao chất lượng mật ong.

 Ngay sau khi Tiểu dự án mật ong Thảo quả cơ sở Vân Anh được phê duyệt, ký hợp đồng thực hiện, theo sự chỉ đạo của Ban Điều phối Chương trình CPRP và Tổ hỗ trợ huyện, Ban Quản lý xã Nấm Dẩn luôn chủ động hỗ trợ hộ kinh doanh trong quá trình thực hiện các hạng mục, đồng thời giao cán bộ trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra. Anh Phạm Hà Tuyên, cơ sở sản xuất kinh doanh mật ong Thảo quả Vân Anh cho biết: Lúc đầu gia đình chỉ nuôi ong nhỏ lẻ, tự phát với 26 tổ đặt trong vườn. Mật ong sau khi được lấy về, đưa ra chợ bán, chưa có bao bì, nhãn mác; với mong muốn đưa sản phẩm sạch, chất lượng mang thương hiệu mật ong Thảo quả đến với thị trường, đồng thời phát triển sản phẩm đặc trưng của vùng, giúp người dân có thêm thu nhập, sau khi được tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Chương trình CPRP, cơ sở đã xây dựng phương án sản xuất cụ thể.

Sản phẩm mật ong hoa Thảo quả và mật ong hoa rừng của cơ sở Vân Anh.
Sản phẩm mật ong hoa Thảo quả và mật ong hoa rừng của cơ sở Vân Anh.

Được Chương trình CPRP hỗ trợ 660 triệu đồng, gia đình triển khai các hạng mục theo đúng điều khoản ký kết, như: Nâng cấp nhà vật tư, khu chế biến, chế xuất; mua máy in chân không, ép tầng; máy dập nắp chai tự động; giá để lọ đựng mật ong; bộ dụng cụ chăm sóc và thu hoạch mật; hỗ trợ tín dụng cho các hộ nuôi ong và tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch ong thùng cầu. Cùng với đó, cơ sở đã sử dụng nguồn vốn đối ứng hơn 710 triệu đồng để tiếp tục đầu tư các hạng mục gồm: Xây dựng mới gian hàng; thiết kế, lắp đặt tủ bán hàng và giới thiệu sản phẩm; lắp đặt hệ thống biển quảng cáo gian hàng; xây dựng kho lạnh; máy đo thủy phần và xúc tiến thương mại. Đặc biệt, không ngừng áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, đáp ứng với công tác quay mật và đóng gói sản phẩm đúng tiêu chuẩn. Cơ sở đã tiến hành gắn nhãn mác, đăng ký mã vạch sản phẩm mật ong, tăng cường giới thiệu, quảng bá tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của tỉnh và huyện...

Bên cạnh đó, cơ sở đã hỗ trợ tín dụng cho gần 100 hộ nuôi ong và 7 nhóm sở thích nuôi ong với quy mô 20 - 30 tổ/nhóm. Hiện tại, cơ sở sản xuất kinh doanh mật ong hoa Thảo quả Vân Anh đang có 150 tổ ong đặt ở các vùng rừng đèo Gió, nơi tập trung nhiều diện tích Thảo quả. Cùng với việc thu mua mật ong cho người dân trong vùng, giúp họ có thêm thu nhập từ 15 – 30 triệu đồng/năm; trung bình mỗi năm cơ sở sản xuất hơn 3 nghìn lít mật. Mật ong hoa Thảo quả Nấm Dẩn có nét đặc trưng riêng, vị ngọt dịu mát, màu sắc vàng óng và hương thơm hoa Thảo quả. Ngoài ra, cơ sở Vân Anh đang sản xuất thêm sản phẩm mật ong hoa rừng; giá bán hiện đạt 300 nghìn đồng/lít mật ong hoa rừng, 520 nghìn đồng/lít mật ong hoa Thảo quả. Sản phẩm mật ong Nấm Dẩn được xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt người tiêu dùng Hà Nội rất tin tưởng lựa chọn.

Trong thời gian tới, cơ sở sản xuất kinh doanh mật ong Thảo quả Vân Anh tăng cường quảng bá sản phẩm, triển khai nhân giống ong mật địa phương để mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, cơ sở cũng như các hộ nuôi ong mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa để sản phẩm mật ong hoa Thảo quả phát triển mạnh hơn, hỗ trợ người dân Nấm Dẩn phát triển kinh tế… Anh Tuyên chia sẻ thêm. 

Bài, ảnh:  VĂN LONG       


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Về với vùng hồi Bắc Mê

BHG - Thôn Nà Nôm, xã Đường Âm – nơi khởi điểm hình thành vùng trồng cây Hồi tại Bắc Mê những ngày này luôn ngập tràn hương thơm ngào ngạt. Với đặc điểm nằm trong vùng khí hậu ôn đới, những năm qua cây Hồi đã bước đầu đem lại giá trị kinh tế, từng bước giúp người dân nơi đây thoát nghèo. Ông Phùng Văn Hỏn, người đầu tiên đưa cây Hồi về trồng thử nghiệm tại thôn Nà Nôm cho biết: "Cách đây 10 năm, khi đi làm tại tỉnh Cao Bằng, thấy người dân nơi đây trồng rất nhiều Hồi, giá thành sản phẩm cao, tôi đã mua cây giống về để trồng thử; không ngờ cây Hồi rất hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây. 

30/11/2018
Sủng Máng phát huy nghề may trang phục truyền thống

BHG - Trong rất nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp trên Cao nguyên đá, nghề may trang phục truyền thống của dân tộc Dao, Mông ở xã Sủng Máng (Mèo Vạc) đang được nhiều hộ dân gìn giữ, phát huy và đem lại nguồn thu nhập ổn định. Sủng Máng hiện có 529 hộ, 2.864 khẩu; trong đó, trên 55% hộ nghèo và đa phần bà con nơi đây sinh sống phụ thuộc vào chăn nuôi, trồng trọt. Trong khi điều kiện thời tiết và địa hình rất khắc nghiệt, đất canh tác ít, nước sinh hoạt luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng… Chính vì vậy, một số thôn của xã đẩy mạnh phát triển nghề may trang phục truyền thống nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. 

28/11/2018
Ớt gió Đồng Văn – Sản phẩm đặc trưng của Cao nguyên đá

BHG - Trước nhu cầu tiêu thụ mạnh, giá bán khá cao, những năm gần đây nhiều gia đình ở thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) đã chủ động phát triển mạnh cây Ớt gió nhằm tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch và tăng thu nhập; góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây.

26/11/2018
Bánh Pá Pá của đồng bào Mông ở thị trấn Đồng Văn

BHG - Ẩm thực trên Cao nguyên đá được biết đến với những bát thắng cố nghi ngút khói, hay bát mèn mén thơm lừng. Song it ai biết đồng bào Mông trên mảnh đất địa đầu còn có nghề làm bánh truyền thống từ rất lâu đời. Nghề làm bánh không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng bánh mà đồng bào làm ra được gọi bằng cái tên rất mộc mạc, bánh Pá Pá. Bánh Pá Pá thể hiện một phần văn hóa ẩm thực đặc sắc và cũng mang lại nguồn thu nhập khá, giúp cải thiện đời sống cho người dân nơi đây. Năm 2017, Tổ hội nghề nghiệp làm bánh truyền thống thị trấn Đồng Văn được thành lập với 15 thành viên, ở 2 thôn Hấu Đề và Má Tìa đã tạo điều kiện cho bánh truyền thống được quảng bá rộng rãi và phát triển hơn. 

24/11/2018