Phát triển thương hiệu dầu lạc Đồng Yên

16:24, 20/12/2018

BHG - Thực hiện Đề án “Mỗi vùng quê một sản phẩm”, thời gian qua huyện Bắc Quang đã cho ra mắt nhiều sản phẩm đặc trưng, trong đó có dầu lạc của xã Đồng Yên.

Giám đốc HTX Nông sản dầu lạc Mạc Thị Miến giới thiệu sản phẩm.
Giám đốc HTX Nông sản dầu lạc Mạc Thị Miến giới thiệu sản phẩm.

Nói đến dầu lạc, không mấy ai còn xa lạ với hương vị của nó, vừa giữ được sự thanh đạm lại thơm ngon đặc trưng. Nhận thấy tiềm năng của việc phát triển dầu lạc, Đồng Yên - xã vùng thấp của huyện Bắc Quang có diện tích và sản lượng lạc lớn đã nghiên cứu, chế tạo sản phẩm này. Năm 2017, xã Đồng Yên đã đăng ký dầu lạc là sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng và thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông sản dầu lạc.

Chị Mạc Thị Miến, Chủ nhiệm HTX Nông sản dầu lạc cho biết: “Trước kia, sản phẩm lạc của địa phương chủ yếu bán tươi cho các thương lái và luôn chịu cảnh giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định. Chính vì thế, khi nghiên cứu thị trường, nhận thấy sản phẩm dầu lạc được người tiêu dùng ưa chuộng; sau thời gian thử nghiệm, chúng tôi đã mạnh dạn tập hợp người dân trên địa bàn thành lập HTX Nông sản dầu lạc”.

“Để có thể làm ra sản phẩm thơm ngon phải trải qua rất nhiều quy trình. Ngay từ khâu đầu tiên là lựa chọn giống lạc cũng phải thật tỉ mỉ, phải chọn những hạt không bị mốc, hỏng; sau đó phơi khô, cho vào máy để tách vỏ; đem số nhân hạt còn lại sơ chế, loại bỏ hết những hạt lạc thối, hạt đổi màu và cho lạc vào rang thơm, ép lấy dầu” - chị Miến chia sẻ cách làm ra sản phẩm dầu lạc.

Nguồn nguyên liệu chủ yếu HTX thu mua của người dân trên địa bàn các xã trong huyện và một số địa phương khác… Trung bình 1 kg lạc tươi cho ra 0,7 lít dầu lạc. Giá bán dầu lạc ra thị trường từ 120 -140 nghìn đồng/lít. Hiện nay, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ cho người dân địa phương và những xã lân cận. Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng theo ước tính mỗi năm HTX sẽ sản xuất được khoảng 25 – 30 nghìn lít dầu lạc.

Theo đồng chí Nguyễn Doãn Chương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Yên: Từ khi HTX thành lập đã giải quyết được việc làm cho người dân và đặc biệt là vấn đề đầu ra cho người trồng lạc; góp phần phát triển KT-XH cho địa phương. Đầu tháng 12.2018, HTX Nông sản dầu lạc Đồng Yên đã tổ chức lễ ra mắt sản phẩm, đồng thời ra mắt điểm sàn AFDEX (sàn giao dịch kết nối cung cầu nông nghiệp thực phẩm) của xã Đồng Yên. Việc ra mắt sản phẩm tinh dầu lạc trên sàn AFDEX tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân trên địa bàn xã và các xã lân cận đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cho phù hợp, tăng giá trị sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đây cũng là cơ hội để đưa sản phẩm dầu lạc vươn ra thị trường lớn.

Bài, ảnh:  BÙI HƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Về với vùng hồi Bắc Mê

BHG - Thôn Nà Nôm, xã Đường Âm – nơi khởi điểm hình thành vùng trồng cây Hồi tại Bắc Mê những ngày này luôn ngập tràn hương thơm ngào ngạt. Với đặc điểm nằm trong vùng khí hậu ôn đới, những năm qua cây Hồi đã bước đầu đem lại giá trị kinh tế, từng bước giúp người dân nơi đây thoát nghèo. Ông Phùng Văn Hỏn, người đầu tiên đưa cây Hồi về trồng thử nghiệm tại thôn Nà Nôm cho biết: "Cách đây 10 năm, khi đi làm tại tỉnh Cao Bằng, thấy người dân nơi đây trồng rất nhiều Hồi, giá thành sản phẩm cao, tôi đã mua cây giống về để trồng thử; không ngờ cây Hồi rất hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây. 

30/11/2018
Bánh đa xã Yên Thành

BHG - Năng nổ, dám nghĩ, dám làm, chàng trai Bùi Xuân Tiền, sinh năm 1984, quê gốc tỉnh Phú Thọ, lên Yên Thành (Quang Bình) lập nghiệp được 18 năm đã dày công học tập, nghiên cứu và làm chủ kỹ thuật sản xuất bánh đa, phở khô, phở ngũ sắc và đang trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

 

29/08/2018
Sủng Máng phát huy nghề may trang phục truyền thống

BHG - Trong rất nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp trên Cao nguyên đá, nghề may trang phục truyền thống của dân tộc Dao, Mông ở xã Sủng Máng (Mèo Vạc) đang được nhiều hộ dân gìn giữ, phát huy và đem lại nguồn thu nhập ổn định. Sủng Máng hiện có 529 hộ, 2.864 khẩu; trong đó, trên 55% hộ nghèo và đa phần bà con nơi đây sinh sống phụ thuộc vào chăn nuôi, trồng trọt. Trong khi điều kiện thời tiết và địa hình rất khắc nghiệt, đất canh tác ít, nước sinh hoạt luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng… Chính vì vậy, một số thôn của xã đẩy mạnh phát triển nghề may trang phục truyền thống nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. 

28/11/2018
Đặc sản chè Bản Vẽ, đậm đà hương vị "đèo Gió, thác Tiên"

BHG - Thôn Bản Vẽ cách trung tâm xã Nà Chì (huyện Xín Mần) khoảng 5 km về phía Tây Bắc, nơi đây trồng và chế biến một loại chè đặc sản, đang từng bước tạo dựng uy tín của riêng mình và được người tiêu dùng đón nhận. Nằm cuối phía Tây rặng Tây Côn Lĩnh và nơi bắt đầu khu rừng đèo Gió, cửa ngõ đến trung tâm huyện Xín Mần; Nơi dòng Nậm Luông (theo tiếng Tày có nghĩa là "dòng suối lớn") bắt nguồn từ dãy núi Hoàng Liên Sơn chạy qua huyện Bắc Hà (Lào Cai) rồi chảy dọc thôn Bản Vẽ. Với khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với điều kiện thổ nhưỡng tốt đã ban cho cây chè ở nơi đây hương vị riêng biệt...

28/09/2018