Người dân huyện Đồng Văn tích cực tu sửa, làm nhà lưu trú phục vụ du khách

17:27, 27/10/2017

BHG-Trong những năm qua, Lễ hội Hoa Tam giác mạch đã trở thành “thương hiệu” cho du lịch Hà Giang. Vẻ đẹp quyến rũ của loài hoa này luôn mời gọi du khách trong và ngoài nước đến với Hà Giang để khám phá và trải nghiệm vẻ đẹp của đất và người Cao nguyên đá Đồng Văn. Nắm bắt được thời cơ này, đáp ứng nhu cầu của du khách, trong những năm qua, người dân huyện Đồng Văn chủ động tu sửa, xây mới nhà làm dịch vụ lưu trú - Homstay đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Nhà khách của gia đình anh Lương Thanh Tiệp, tổ 7, thị trấn Đồng Văn mới được đầu tư, chuẩn bị đưa vào phục vụ du khách trong mùa Lễ hội năm 2017.
Nhà khách của gia đình anh Lương Thanh Tiệp, tổ 7, thị trấn Đồng Văn mới được đầu tư, chuẩn bị đưa vào phục vụ du khách trong mùa Lễ hội năm 2017.

Đồng chí Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Xác định du lịch - dịch vụ là lợi thế phát triển để nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân địa phương, huyện Đồng Văn đã có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân mở các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, bán đồ lưu niệm hay trình diễn nghệ thuật dân tộc để phục vụ khách du lịch. Huyện đã thiết lập mạng lưới kinh doanh, tăng cường liên kết, có cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư như làm thủ tục cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế thuê đất xây dựng cơ sở hạ tầng; áp dụng chính sách ưu đãi về phát triển du lịch, dịch vụ miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhiều loại dịch vụ gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Với dịch vụ lưu trú Homstay, gia đình anh Phạm Văn Thành, tổ 7 và gia đình anh Hà Văn Hạnh, tổ 1, thị trấn Đồng Văn cũng như nhiều hộ khác làm dịch vụ này đang rất hào hứng chờ đón Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ III. Anh Thành cho biết: Dịch vụ Homstay rất thu hút khách du lịch, nhất là “dân phượt” bởi giá nghỉ bình dân chỉ từ 80 đến 100 nghìn đồng/người/tối nên nhiều khách muốn trải nghiệm dịch vụ này. Trong 2 mùa Lễ hội Hoa Tam giác mạch trước, mỗi năm đem lại cho gia đình nguồn thu nhập khá từ dịch vụ lưu trú Homstay; năm 2017, gia đình anh Thành tiếp tục tu sửa, làm mới thêm 5 phòng trọ cho khách “phượt”, mỗi phòng có thể ở từ 4 - 7 người tùy vào nhu cầu của khách. Vào mùa Lễ hội, nếu lượng khách nghỉ đều sẽ đem lại nguồn thu cho gia đình khoảng trên dưới 20 triệu đồng/tháng.

Nắm bắt được nhu cầu và lượng khách du lịch lên Cao nguyên đá ngày một tăng, từ đầu năm 2017, gia đình anh Lương Thanh Tiệp, tổ 7, thị trấn Đồng Văn đã quyết định đầu tư vốn xây nhà nghỉ 5 tầng với hơn 10 phòng ở làm dịch vụ lưu trú cho khách du lịch. Theo tính toán của anh Tiệp, ngoài phục vụ nhu cầu sinh hoạt là chỗ ăn, ở của gia đình, đầu tư làm nhà nghỉ là chiến lược kinh doanh lâu dài nên phải đảm bảo các yếu tố về giá cả hợp lý, phục vụ tận tình, chu đáo; chỉ cần lượng khách ở đạt 50% tổng số phòng/năm là đã có lãi.

Theo anh Tải Đình Tinh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn: 3 năm trở lại đây, người dân huyện Đồng Văn đã có chuyển biến về nhận thức, dần tiếp cận, làm quen với việc làm du lịch. Nhiều hộ dân chủ động tu sửa, cơi nới, xây mới nhà làm dịch vụ lưu trú đem lại nguồn thu nhập khá, điều này cũng đã góp phần giảm tải sức ép về chỗ ở, giá cả, du khách có nhiều lựa chọn hơn khi lên Đồng Văn. Hiện tại, toàn huyện có 1 khách sạn 3 sao, 3 khách sạn 2 sao, 4 khách sạn 1 sao (theo chứng nhận của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh) và trên 30 nhà khách, nhà nghỉ với gần 600 phòng; cùng đó là hệ thống nhà trọ dịch vụ Homstay của người dân tại các xã, thị trấn. Có gần 40 nhà hàng ăn uống thường xuyên hoạt động kinh doanh, mỗi năm có thể phục vụ khoảng trên 300.000 lượt khách du lịch.

Phát huy nội lực, tận dụng, khai thác lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển nhanh, bền vững là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Văn. Điều này đang được người dân cụ thể hóa bằng việc làm thiết thực, với mục tiêu chung xây dựng huyện Đồng Văn xứng tầm là trung tâm của Cao nguyên đá.

           Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kế hoạch tổ chức hoạt động "Bay dù trên mùa hoa Tam giác mạch" và hòa nhạc dưới chân cột cờ Lũng Cú "Âm vang Lũng Cú"

BHG- Ngày 25.9.2017, Ban Tổ chức các ngày Lễ lớn của tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 30/KH-BTC về việc tổ chức tổ chức hoạt động "Bay dù trên mùa hoa Tam giác mạch" và hòa nhạc dưới chân cột cờ Lũng Cú "Âm vang Lũng Cú". Dưới đây là nội dung kế hoạch.

27/09/2017
Yên Minh, hứa hẹn nét riêng hấp dẫn

BHG - Đến thời điểm này, huyện Yên Minh đã hoàn thành việc gieo trồng hoa Tam giác mạch phục vụ Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ III - năm 2017; tạo điểm nhấn cảnh quan hấp dẫn, thu hút  khách du lịch trong hành trình khám phá Lễ hội. Yên Minh là huyện có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng với những cánh rừng thông, đường đèo vắt ngang sườn núi... Nhằm tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn gắn với giá trị cảnh quan từ hoa Tam giác mạch, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch; UBND huyện đã ban hành Kế hoạch "Trồng hoa Tam giác mạch vụ Thu- đông năm 2017 gắn với phát triển du lịch sinh thái".

 

26/10/2017
Lại về một mùa hoa

BHG - Hoa Tam giác mạch mấy năm trở lại đây đã trở thành điểm hẹn của những người yêu thích cảnh quan và cuộc sống đầy màu sắc của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Hà Giang. Tháng 10, cái se lạnh đầu mùa đã bắt đầu len lỏi, Cao nguyên đá như một cô sơn nữ, khoác trên mình tấm áo dệt ngàn hoa. Một mùa hoa Tam giác mạch nữa lại bung mình, khoe sắc chào đón du khách đến ngắm nhìn.

25/10/2017
Kế hoạch tổ chức Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ III, năm 2017

BHG - Ban Tổ chức các ngày Lễ lớn của tỉnh đã ban hành Kế hoạch 26/KH-BTC về việc tổ chức Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ III, năm 2017. Dưới đây là nội dung kế hoạch.

24/08/2017