Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới có nhiều khởi sắc
BHG - Sản xuất nông nghiệp thường phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết; ngay từ đầu năm, tỉnh ta đã hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán kéo dài; đến giữa năm, nhiều đợt mưa lớn gây ngập úng, sạt lở đất, lũ ống và hiện tại liên tiếp có những đợt rét đậm, rét hại tăng cường… khiến ngành Nông nghiệp của tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cơ cấu các lĩnh vực trong nội bộ ngành Nông nghiệp có chuyển biến tích cực, hoàn thành mục tiêu có thêm 7 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) và các chỉ tiêu đặt ra của ngành đều hoàn thành ở mức cao, từ 90% trở lên - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đức Vinh, chia sẻ những thông tin vui về kết quả thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM năm 2017.
Người dân xã Ngam La (Yên Minh) thu hái chè Shan tuyết cổ thụ. |
Bước sang năm thứ 2 thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh ta tập trung phát triển cây cam, chè theo hướng VietGAP và phát triển các gia trại chăn nuôi trâu, bò, lợn. Kết thúc năm 2017, nông nghiệp của tỉnh đang dần được cơ cấu lại hợp lý hơn, hướng vào trọng tâm, phát triển mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, an toàn và giá trị thu hoạch ngày càng tăng. Những con số vui liên tục được xác lập như: Giá trị thu hoạch bình quân/ha đất trồng cây hàng năm ước đạt trên 43 triệu đồng, tăng 1,7 triệu đồng so với năm 2016; tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi đạt gần 28,4%, tăng gần 7% so với trước khi thực hiện Tái cơ cấu; có trên 3.749 ha chè đạt tiêu chuẩn GAP, 1.236 ha cam đạt tiêu chuẩn VietGAP, đạt gần 124% kế hoạch; phát triển được 836 gia trại chăn nuôi, trong đó 425 gia trại nuôi lợn, 211 gia trại nuôi gia cầm, 146 gia trại nuôi trâu, bò, 54 gia trại nuôi dê; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 77%, tăng 3,8% so với năm 2016...
Thực hiện Tái cơ cấu, chăn nuôi đại gia súc theo quy mô gia trại, trang trại đang phát triển mạnh. Trong ảnh: Gia trại nuôi hơn 10 con trâu, bò tại xã Hữu Vinh (Yên Minh). |
Bên cạnh đó, một số sản phẩm chủ lực nêu trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã có thị trường tiêu thụ ổn định, được tập trung chỉ đạo sản xuất với quy mô lớn. Đồng thời, xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm như: Cam Sành Hà Giang; mật ong Bạc hà Mèo Vạc; hồng Không hạt Quản Bạ và gạo già dui Xín Mần; hiện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lí cho các sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang. Riêng sản phẩm cam Sành và mật ong Bạc hà đã có tem truy xuất nguồn gốc.
Đóng góp vào kết quả thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp năm qua, có vai trò rất lớn của Nghị quyết 209 HĐND tỉnh. Chính sách của Nghị quyết 209 tiếp tục đi vào cuộc sống, đúng ý nguyện của người dân, tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp. Tính đến cuối tháng 11, có trên 5.200 hộ thẩm định đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn trên 455 tỷ đồng; đã giải ngân trên 402 tỷ đồng cho trên 4.700 hộ đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cam, chè, dược liệu, trâu, bò, ong...
Năm 2017 cũng để lại nhiều dấu ấn trong xây dựng NTM khi tỉnh ta đặt quyết tâm phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM. Từ đó, tỉnh ta đã huy động, phân bổ các nguồn lực đầu tư, tập trung cho xây dựng NTM; huy động nhân dân hiến 163.658 m2 đất, đóng góp 106.532 ngày công lao động. Đồng thời, phân bổ nguồn vốn và trên 47.936 tấn xi - măng theo Đề án 1 triệu tấn xi - măng của tỉnh cho các xã thực hiện xây dựng NTM, tương đương trên 62 tỷ đồng. Qua đó, đã nâng cấp, làm mới được gần 398 km đường giao thông nông thôn; làm được gần 76 km đường bê - tông nông thôn; làm mới, cải tạo, nâng cấp được 6,6 km kênh mương; cải tạo nâng cấp 127 phòng học; xây dựng mới 28 Nhà văn hóa thôn... Đặc biệt, chúng ta vui mừng khi có thêm 7 xã hoàn thành các tiêu chí NTM, trong đó 4 xã đã tổ chức công bố đạt chuẩn NTM, 3 xã đã thẩm định đạt chuẩn và dự kiến công bố trong tháng 1.2018.
Đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ thêm: Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2017 vừa qua đầy khó khăn, nhưng tư duy sản xuất nông nghiệp đã chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu; giá trị gia tăng và giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích đất canh tác trở thành thước đo kết quả sản xuất; phát triển nông nghiệp sạch theo hình thức nhà lưới, tập trung sản xuất các sản phẩm an toàn để tăng tính cạnh tranh dần được định hình rõ nét… từ đó giúp người nông dân từng bước làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc