Dân vận khéo để xây dựng Nông thôn mới thành công
BHG - Ở một tỉnh vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, việc giúp người dân ý thức được vai trò, trách nhiệm, cùng chung tay xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) là câu chuyện dài về công tác dân vận. Trong câu chuyện với Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Ly Mí Lử, chúng tôi hiểu thêm những công sức “lặng thầm” mà đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở đã cống hiến, để tạo nên diện mạo nông thôn mới hôm nay.
Thực hiện tốt mô hình dân vận khéo, người dân Làng Nùng chủ động mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông. |
Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác dân vận trong XDNTM, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 48-KH/TU ngày 15.4.2016, triển khai phong trào thi đua dân vận khéo 2016 – 2017 với chủ đề “Phát huy dân chủ, XDNTM và đô thị văn minh”. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đều tích cực triển khai phong trào thi đua, tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên cùng chung sức XDNTM. Hệ thống dân vận các cấp tích cực tham mưu, phối hợp tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu, rộng về phong trào thi đua dân vận khéo đến mọi tầng lớp nhân dân. Từ đây, hàng loạt mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực đã ra đời, phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cuộc sống người dân. Tiêu biểu như mô hình: Không sinh con thứ 3 trở lên; tự quản về an ninh trật tự; trồng cây vụ Đông; nuôi ong, chăn nuôi trâu, bò nhốt; tuyến đường không rác; ngày thứ Bảy tình nguyện hướng về nông thôn; dòng họ không có người vi phạm pháp luật; nhà sạch, vườn đẹp; tuyến đường tự quản; hũ gạo tình thương; điểm sáng vùng biên; chăn nuôi theo Nghị quyết 209; hiến đất mở đường; trồng cây dược liệu; phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; trồng rau VietGAP…
Từ huy động sức dân tính đến tháng 11, năm 2017, toàn tỉnh có thêm 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh lên 19 xã. Toàn tỉnh đã nâng cấp, làm mới trên 419 km đường giao thông nông thôn; cải tạo, nâng cấp 182 phòng học; xây mới 55 Nhà văn hóa thôn; vận động nhân dân hiến trên 217 nghìn m2 đất; đóng góp trên 152.900 ngày công; triển khai thực hiện trên 400 mô hình phát triển kinh tế; mở 92 lớp dạy nghề ngắn hạn đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; nhiều địa phương đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư và liên kết phát triển sản xuất với nông dân. Đến nay, tỷ lệ huy động trẻ đến trường ở các cấp học đạt trên 90%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46%; trên 95% người dân tham gia Bảo hiểm Y tế; 72% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt; 83% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm.
Làng Nùng, xã Đạo Đức (Vị Xuyên), một trong những thôn thực hiện tốt phòng trào dân vận khéo, góp phần đưa địa phương về đích NTM trong năm 2017. Bí thư Chi bộ thôn Nguyễn Văn Phương cho biết: Bắt tay vào XDNTM, thôn Làng Nùng gặp rất nhiều khó khăn do người dân chưa hiểu mục đích, ý nghĩa. Vì vậy, ngoài những buổi họp, Tổ dân vận của thôn đã nhiều đêm đến từng gia đình, vận động người dân hiến đất, tham gia phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, bảo vệ môi trường… “Mưa dầm thấm lâu”, sau thời gian kiên trì tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã nhận được sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của nhân dân. Từ đó, nhiều hộ tự nguyện hiến đất, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng các công trình vệ sinh, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đến nay, thu hập bình quân của người dân Làng Nùng đạt 25 triệu đồng/người/năm; và trong khi việc vận động nhân dân trồng cây vụ Đông ở nhiều địa phương khác gặp rất nhiều khó khăn thì cánh đồng thôn Làng Nùng ngô Nếp đã xanh tốt.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Ly Mí Lử chia sẻ thêm: “XDNTM là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành 19 tiêu chí mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu bền để nâng cao các tiêu chí, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục đổi mới phong trào thi đua dân vận khéo với những cách làm hay, sáng tạo hơn, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Nội dung công tác tuyên truyền phải sâu sát, gần dân, lắng nghe dân để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc