"Mèo Vạc, khởi sắc" giao thông nông thôn
HGĐT- Cùng với việc huy động tối đa nội lực trong nhân dân, thì việc thay đổi nhận thức để người dân làm chủ thể trong xây dựng NTM được xem là sự “bứt phá” trong cách làm của huyện Mèo Vạc thời gian qua. Không khó để nhận ra những con đường mòn vượt núi được mở rộng và thêm nhiều đường dân sinh được hình thành, góp phần vẽ nên “bức tranh” nông thôn tươi sáng nơi miền đá nghèo.
Đối với một huyện còn nhiều khó khăn với 17 dân tộc anh em chung sống (trong đó 77% là đồng bào Mông), trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, do đó làm sao để phát huy nội lực trong nhân dân, tạo sự động thuận, chung tay xây dựng NTM luôn là bài toán được địa phương quan tâm tìm lời giải. Ngay từ khi bắt tay vào triển khai, huyện Mèo Vạc đã xác định lấy công tác tuyên truyền làm trọng tâm. Theo đó, huyện đã phân công nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cụ thể của các thành viên BCĐ xây dựng NTM, thống nhất nội dung thực hiện, bám sát cơ sở để đôn đốc triển khai theo kế hoạch. Thông qua các buổi họp, đặc biệt là họp thôn, tập trung chỉ rõ những lợi ích mà người dân được hưởng và những việc dân phải làm.
Thông qua cách làm đó, nhận thức của người dân đang ngày một nâng cao. Nếu như trước đây, xây dựng NTM đối với bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Mèo Vạc được thực hiện theo kiểu “chỉ đâu đánh đấy” thì nay người dân đã chủ động triển khai. Một trong những trở ngại lớn nhất có lẽ chính là đường giao thông nông thôn, bởi đây là rào cản khiến cho công tác XĐGN gặp nhiều khó khăn. Mặc dù sinh sống không tập trung, các nhóm hộ sống xa nhau nhưng bà con nhân dân đã tích cực cùng nhau chung sức mở rộng đường dân sinh và mở nhiều tuyến đường mới phục vụ việc đi lại, phát triển kinh tế gia đình. Thông qua các buổi phát động “Chung sức xây dựng Nông thôn mới năm 2014” các xã trên địa bàn huyện đã huy động được 4.442 ngày công lao động, mở mới 2.700m đường trục thôn, liên thôn, nâng cấp trên 14km đường. Hình ảnh trên 100 hộ thôn Há Chế, xã Sủng Trà tự vận động nhau chung tay mở rộng trên 200m đường hay 74 hộ dân thôn Mã Pì Lèng, xã Pả Vi hiến đất và đóng góp ngày công lao động để mở đường giao thông dài 700m, rộng 2m. Đặc biệt, người dân thôn Sủng Nhỉ B, xã Sủng Máng đã biết bảo nhau hiến đất mở đường với một ý nghĩ duy nhất đó là làm đường để lấy xe máy chở ngô về nhà... Những ý nghĩ và hành động ấy đang cho thấy quyết tâm cũng như sự chủ động của người dân trong xây dựng NTM. Nhớ ngày mở đường ở Sủng Máng, điều dễ nhận thấy nhất đó chính là niềm vui hiện hữu trên từng khuôn mặt những người nông dân nghèo khi con đường mới được mở ra. Gia đình anh Phàn Quẩy San ở thôn Sủng Nhỉ B, xã Sủng Máng; bao năm chỉ biết vượt núi đi bộ ra xã, nay có con đường mới anh không giấu nổi niềm vui: “Mở được con đường này, trong thôn ai cũng vui lắm, giờ có thể làm ăn để mua xe máy đi về tận nhà rồi. Có đường mới chắc chắn mọi người trong thôn sẽ bớt khổ, bọn trẻ con đi học đỡ vất vả hơn”.
Những con đường mới mở ra, nối liền và thu hẹp khoảng cách giữa các thôn là kết quả từ sự chung tay, góp sức của bà con nhân dân. Đó cũng chính là sự “kết tủa” từ công tác tuyên truyền. Còn nhớ cách đây không lâu, có dịp theo chân các đồng chí lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mèo Vạc, chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến buổi tuyên truyền về xây dựng NTM được tổ chức tại xã Lũng Pù (một trong 3 xã điểm của huyện) theo hình thức sân khấu hóa. Tại đây, người dân được nghe tuyên truyền bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình theo cách dễ hiểu, gần gũi với đời sống thường ngày. Đặc biệt, sau khi tuyên truyền, phía ban tổ chức còn đưa ra câu hỏi và tặng các món quà nhỏ cho người trả lời đúng. Những cánh tay giơ cao, tiếng tranh luận về câu hỏi “Khi tham gia xây dựng NTM người dân phải làm những việc gì?” hay “Thế nào là ăn, ở hợp vệ sinh?”... đã cho thấy chương trình xây dựng NTM đang dần “ngấm” vào nhận thức của người dân nơi đây. Đồng chí Nguyễn Thị Chanh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Bên cạnh tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức đa dạng, địa phương còn tranh thủ tiếng nói của người có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động nhân dân đồng lòng, nhiệt tình hưởng ứng thông qua việc hiến đất, đóng góp sức người, sức của tham gia xây dựng NTM. Đồng thời, lồng ghép với các chương trình khác và lấy ý kiến trực tiếp từ người dân để triển khai thực hiện các tiêu chí một cách phù hợp với điều kiện thực tế”.
Mùa này đến với Mèo Vạc, nổi lên trên nền màu xám xịt của đá tai mèo là không ít con đường mới được mở về tận trung tâm thôn, làm cho “bức tranh” nơi miền quê thêm phần tươi sáng. Những chiếc xe máy không chỉ giúp cho đôi chân của bà con nhân dân nơi đây không bị chùn bước mà còn góp phần mở ra một cơ hội mới trong việc vươn lên phát triển kinh tế, từng bước XĐGN bền vững.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc