Thành phố Hà Giang xây dựng Nông thôn mới bằng các mô hình, đề án
HGĐT- Xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) là Chương trình lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo giữa vùng thành thị và nông thôn, mang tính cộng đồng cao, phát huy nội lực trong dân. Để cụ thể hóa chủ trương lớn, đầy tính nhân văn đó, từ khi triển khai thực hiện, ngoài việc hỗ trợ nhân dân xi măng làm đường giao thông, chỉnh trang nhà cửa, hoàn thiện các tiêu chí khác như giáo dục, y tế... thành phố Hà Giang còn chú trọng giúp dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng các mô hình, đề án.
Nông dân xã Phương Thiện xuống đồng đầu Xuân gieo cấy giống lúa mới, năng suất cao thay thế giống lúa dài ngày, năng suất thấp.
Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM bước đầu đã có tác động và tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, đội ngũ cán bô, đảng viên, đặc biệt tạo sự chuyển biến tích cực đến nhận thức của người dân - chủ thể XDNTM. Quá trình triển khai bước đầu đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, thông qua cuộc phát động phong trào chung sức XDNTM. Nhân dân đã tự nguyện hiến 33.600 m2 đất, đóng góp 2.100 ngày công; mở rộng, giải phóng mặt bằng được 650 m đường; nâng cấp mở rộng nền đường 3.640m.
Để giúp người dân phát triển chăn nuôi, sản xuất, nâng cao thu nhập, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM thành phố đã tập trung lãnh, chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai quyết liệt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhằm hoàn thành từng bước các tiêu chí XDNTM; quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch xây dựng NTM, trong đó tập trung phấn đấu 14/25 thôn của 3 xã hoàn thành 19 tiêu chí trong năm 2013 và 1.000 hộ đạt nhà sạch, vườn đẹp; chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án vành đai thực phẩm hàng hóa; kế hoạch phát triển đàn gia súc gắn với thâm canh; kế hoạch sản xuất cây vụ Đông gắn với phong trào ủ phân xanh làm phân hữu cơ... Kết quả đã phát huy tốt hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế nông nghiệp một cách toàn diện theo định hướng sản xuất hàng hóa với quy mô trang trại, tổ hợp tác, qua đó đã tạo được phong trào XDNTM sâu rộng đến từng thôn, bản như: Trồng trọt phát triển mạnh ở xã Ngọc Đường, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm ở xã Phương Độ và phát triển nuôi lợn ở xã Phương Thiện, đến nay đã phát huy hiệu quả rõ rệt với tổng diện tích gieo trồng các cây trồng chính năm 2013 là 1.309 ha; sản lượng lương thực có hạt đạt 4.535 tấn; diện tích lúa 639 ha, sản lượng đạt 3.633 tấn. diện tích cây ngô 248 ha, sản lượng đạt 902 tấn; rau đậu các loại 330 ha, sản lượng đạt 6.600 tấn; cây lạc 39 ha; chè 242 ha; cây thảo quả 198 ha. Chăn nuôi tiếp tục có sự tăng trưởng, năm 2013 tập trung phát triển 3 mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tại xã Phương Độ 5.000 con gà/2 mô hình; xã Phương Thiện 200 con lợn/1 mô hình, phấn đấu thực hiện nhân rộng mô hình thành công trong năm 2014 - 2015 theo hình thức đầu tư thu hồi tái đầu tư. Ngoài ra một số mô hình sản xuất đã và đang tổ chức triển khai thí điểm mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, sản xuất nấm, lúa lai BG1... bước đầu có kết quả rất khả quan.
Để có được kết quả trên, cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đã chú trọng, quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, thực hiện đan xen bằng nhiều hình thức, nhiều phương pháp, như qua các hội nghị, các buổi giao ban, sinh hoạt chi bộ, họp thôn; tuyên truyền bằng cách nêu nhiệm vụ, công việc cụ thể như: 9 việc của hộ gia đình, 7 việc của thôn trong XDNTM... Tạo phong trào “Làng mới”, “thôn mẫu” - Làng mới về phát triển chăn nuôi, trồng trọt; thôn mẫu trong thực hiện góp đất, hiến đất; làng mới về nhà sạch, vườn xanh..., gắn với địa danh, địa chỉ cụ thể để làm cơ sở đánh giá rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời, làm nhân tố để tuyên truyền nhân rộng.
Đồng chí Nguyễn Khương Hà, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM trong năm 2013 của thành phố trên các lĩnh vực khá toàn diện. Trong đó thành phố chú trọng giúp nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa bằng các mô hình đề án cụ thể như: Hỗ trợ giống, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch 11 ha cây khoai tây tại xã Phương Thiện giống nhập từ Đức; thực hiện 2 mô hình chăn nuôi tập trung 5.000 con gà tại xã Phương Độ; mô hình 200 con lợn tại xã Phương Thiện... các mô hình khá thành công. Hiệu quả kinh tế mang lại chưa thật lớn, nhưng đã phần nào làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con vốn đã quen với tập tục tự sản, tự tiêu và... manh mún. Tuy nhiên để các mô hình, đề án thật sự mang lại hiệu quả giúp bà con tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích và mang tính bền vững thì công tác tuyên truyền, nhận thức của một bộ phận nhân dân cần phải được đẩy mạnh theo chiều hướng tích cực, hợp tác, chuyên nghiệp hơn; dần dần xóa bỏ tính trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.
Ý kiến bạn đọc