Xây dựng nông thôn mới - huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
HGĐT- Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đến năm 2020 chỉ rõ lộ trình thực hiện: Năm 2012, có 100% các xã hoàn thành quy hoạch xã nông thôn mới (NTM); năm 2015 có 20% số xã (40 xã) đạt tiêu chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 - 1,5 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo các xã giảm từ 8-10%/năm và đến năm 2020, các xã đạt tiêu chuẩn NTM tăng lên 50%. Để thực hiện thành công mục tiêu này, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt người dân nông thôn - chủ thể của chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM.
Người dân thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) - các chủ thể của chương trình XDNTM đang chuẩn bị vật liệu làm đường bê tông liên gia và công trình vệ sinh. |
THỰC TRẠNG NÔNG THÔN
Tỉnh ta có 178 xã, 5 phường, 12 thị trấn, trong đó, 123 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trên 87% dân số sống ở khu vực nông thôn, chiếm 40% lao động của tỉnh. Việc đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cả vật chất lẫn tinh thần của người dân vùng nông thôn thời gian qua nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của T.Ư, của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Thông qua những chủ trương, chính sách đặc thù, các dự án đầu tư, được triển khai lồng ghép, đặc biệt từ khi có Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, bộ mặt nông thôn miền núi đang có chuyển biến rõ nét. Tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân ổn định và phát triển sản xuất, các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn tiếp tục đổi mới...qua đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, giải quyết nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập và từng bước thực hiện tốt mục tiêu XĐGN.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, do thiếu tầm nhìn mang tính tổng thể, quy hoạch, định hướng phát triển chưa khoa học nên ở khu vực nông thôn đang bộc lộ nhiều bất cập. Việc phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng KT-XH thiếu đồng bộ, môi trường ngày càng ô nhiễm, đô thị hoá nông thôn còn tự phát dẫn đến phá vỡ cảnh quan, nhiều nét văn hóa truyền thống bị pha tạp, phôi phai. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn còn chậm, các tổ chức sản xuất nông thôn có quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Bên cạnh đó, tổ chức, thể chế kinh tế ở nông thôn chậm đổi mới, chưa phát huy được vai trò hỗ trợ sản xuất của nông hộ, kinh tế trang trại phát triển chậm, giá trị hàng hoá nông nghiệp tăng trưởng thấp, sản xuất nhỏ, manh mún, phần lớn nông sản chế biến ở dạng sơ chế, chưa có thương hiệu, giá trị gia tăng thấp.
Nguyên nhân của tình trạng trên do nhu cầu đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn lớn nhưng khả năng đáp ứng của các nguồn lực còn thấp, cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đồng bộ; chưa có bộ tiêu chí chuẩn để thực hiện. Mặt khác, cách chỉ đạo, tiếp cận xây dựng nông thôn còn theo truyền thống, quan điểm đầu tư có lúc chưa thống nhất, thiếu quyết tâm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy vai trò chủ thể của cư dân nông thôn trong XDNTM.
QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO
Quan điểm chỉ đạo của BCH Đảng bộ tỉnh về XDNTM xác định: XDNTM là một trong những chương trình mục tiêu Quốc gia, quá trình thực hiện đảm bảo đồng bộ, hài hòa giữa phát triển KT-XH với bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng nông thôn. Thực hiện điều này, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và chủ thể xây dựng nông thôn mới là nông hộ, được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư. Quá trình thực hiện bám sát phương thức: Những việc dễ làm làm trước, việc khó làm làm sau; những tiêu chí nhân dân tự thực hiện làm trước, các tiêu chí khác làm sau.
Mục tiêu đặt ra là XDNTM Hà Giang có kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, từng bước hiện đại; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá và phát triển các hình thức sản xuất hợp lý; gắn nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch; gắn xây dựng nông thôn với đô thị theo quy hoạch, quy tụ dân cư, xây dựng làng văn hóa giàu bản sắc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh chính trị được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của nông dân ngày càng được nâng cao. Trong năm 2012, có 100% các xã hoàn thành quy hoạch xã NTM, đến năm 2015 có 20% số xã (40 xã) đạt tiêu chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2-1,5 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo các xã NTM giảm 8-10%/năm và đến năm 2020, các xã đạt tiêu chuẩn NTM tăng lên 50%. Ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng như nhựa hoá, bê tông hóa đường liên xã đối với các xã chưa đạt tiêu chuẩn của Bộ GT-VT, bê tông hoá 50% các tuyến đường liên thôn, đường ngõ xóm; 100% số hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố; không còn hộ sống dải rác trên các triền núi cao và vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở; 70% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, hệ thống thuỷ lợi cung cấp nước tưới tiêu và hệ thống kênh mương nội đồng được cứng hoá trên 50%; trên 70% trường học các cấp từ mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia.
KẾT QUẢ ĐÁNG KHÍCH LỆ
Nghị quyết 04 ra đời là kim chỉ nam quan trọng trong quá trình chỉ đạo, định hướng XDNTM và bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực. Ngoài việc thành lập BCĐ, tỉnh ta cũng thành lập BQL chương trình XDNTM mang tính chuyên biệt để thực hiện nhiệm vụ: Tham mưu, giúp UBND tỉnh về công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chương trình; chủ trì, tham mưu công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư thuộc nội dung XDNTM theo quy định; tổng hợp nhu cầu vốn và phân bổ vốn đầu tư theo phân cấp, đề xuất các giải pháp huy động và quản lý, điều phối nguồn vốn. BQL còn trực tiếp làm chủ đầu tư một số dự án trọng điểm theo quy chế quản lý chương trình XDNTM; chủ trì, phối hợp với các ngành xây dựng cơ chế, chính sách, các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM. Thực hiện mục tiêu XDNTM, UBND tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM với 19 tiêu chí và 49 nội dung chi tiết, tăng 10 nội dung so với T.Ư, đồng thời phân loại cụ thể từng tiêu chí do nhân dân tự làm, Nhà nước và nhân dân cùng làm và Nhà nước đầu tư 100%.
Hiện tại, các địa phương đã lựa chọn và tổ chức triển khai ở 42 xã điểm, hầu hết các xã đang triển khai công tác quy hoạch, đồng thời đang thực hiện các tiêu chí làm đường giao thông liên thôn, liên gia, công trình vệ sinh... Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thông chính trị, người dân vùng nông thôn - chủ thể của chương trình XDNTM đang tích cực đầu tư, đóng góp công sức làm mới, nâng cấp gần 50 km đường liên thôn, trên 10 km đường liên gia, trên 30 km kênh mương, trên 20 km đường điện hạ thế, 4 nhà mẫu giáo, 9 nhà văn hóa thôn, cấp nước sinh hoạt cho gần 300 hộ, chỉnh trang 1.500 khuôn viên hộ gia đình, cải tạo 750 vườn hộ, hỗ trợ trên 1,2 nghìn hộ gia đình làm nhà vệ sinh, di chuyển trên 110 chuồng trại gia súc hộ gia đình ra xa nhà. Năm 2011, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch trên 25 tỷ đồng thực hiện XDNTM, trong đó vốn sự nghiệp trên 22 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 3 tỷ đồng, được phân bổ cho các hoạt động quy hoạch, đào tạo cán bộ, tuyên truyền, đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã điểm; đầu tư cho mỗi xã điểm 500 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện các tiêu chí đã chọn; hỗ trợ mỗi huyện 1 nghìn tấn xi - măng để thực hiện tiêu chí Nhà nước và nhân dân cùng làm...đây là những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ, là tiền đề quan trọng để toàn Đảng, toàn dân hăng hái tham gia XDNTM.
Ý kiến bạn đọc