Phát triển lâm nghiệp bền vững - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường
BHG - Hà Giang là một trong những địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, khoảng 59%, tương đương với diện tích có rừng là 470.103,0 ha. Rừng đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, giữ nước và hạn chế thiên tai; rừng cũng là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh ta, tạo sinh kế cho người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững. Nhằm bảo vệ và phát huy tiềm năng, thế mạnh của rừng, ngày 10.10.2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-TU về phát triển lâm nghiệp bền vững (Nghị quyết 16).
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh ta đã thực hiện nhiều chính sách và biện pháp phát triển lâm nghiệp bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời chú trọng mở rộng diện tích trồng rừng kinh tế, bao gồm các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Các mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng dược liệu đang được khuyến khích, giúp tăng thu nhập cho người dân.
Người dân xã Tân Bắc (Quang Bình) đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. |
Để triển khai Nghị quyết 16 đạt hiệu quả, có sức lan tỏa và đi vào cuộc sống của người dân, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND các huyện, thành phố phối hợp triển khai thực hiện các chính sách về lâm nghiệp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai một cách tích cực. Lực lượng Kiểm lâm – đơn vị nòng cốt trong quản lý và bảo vệ rừng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền pháp luật về lâm nghiệp gắn với ký cam kết bảo vệ rừng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định về bảo vệ rừng, phòng, chống chữa cháy rừng của các tầng lớp nhân dân được 23.190 lượt người, ký cam kết được 23.190 hộ gia đình; đồng thời tuyên truyền qua mạng xã hội (zalo, facebook) được 1.822 tin, qua phiên chợ được 77 buổi, qua loa phát thanh được 137 lượt.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 16, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, các huyện, thành phố, đến nay đã có 1/5 chỉ tiêu vượt kế hoạch về đích trước hạn; 2/5 chỉ tiêu đạt trên 90% kế hoạch; còn 2/5 đạt dưới 90% kế hoạch. Đồng chí Hoàng Nhị Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, việc thực hiện Nghị quyết 16 được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, chỉ tiêu trồng mới cây xanh toàn tỉnh đã trồng được 22,7/19,7 triệu cây, đạt 115,3% so với chỉ tiêu, (trồng rừng sản xuất tập trung 7.356,2 ha, tương ứng 12,3 triệu cây; trồng cây phân tán 10,4 triệu cây). Phấn đấu đến hết năm 2024, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đạt 59,3% (tăng 0,4% so với năm 2023, tương đương với diện tích có rừng là 470.103 ha). Đến năm 2025, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đạt từ 40% tổng diện tích rừng tự nhiên trở lên. Trồng rừng sau khai thác hết năm 2024 là 12.258,6 ha, đạt 90,4 % chỉ tiêu và giai đoạn 2021 - 2025 là 14.990,6/13.560 ha, đạt 110,5% chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Hạt Kiểm lâm huyện Vị Xuyên kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại xã Cao Bồ. |
Để góp phần phát triển lâm nghiệp hiện đại, bền vững, ngành Lâm nghiệp đã đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý và khai thác rừng; trong đó, công nghệ tiên tiến được sử dụng để theo dõi, giám sát và bảo vệ rừng khỏi nạn khai thác gỗ trái phép và cháy rừng. Hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các công cụ quản lý rừng thông minh giúp cơ quan chức năng kiểm soát và lập kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, từ đó đảm bảo diện tích rừng được bảo vệ và duy trì trong tình trạng tốt. Bên cạnh đó, tỉnh ta triển khai các dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế và Chính phủ để nâng cao năng lực bảo tồn, quản lý tài nguyên rừng một cách bền vững.
Phát triển lâm nghiệp bền vững gắn liền với phát triển du lịch sinh thái cũng đang được tỉnh ta thực hiện hiệu quả tại các khu bảo tồn thiên nhiên như Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, rừng đặc dụng Phong Quang, dãy Tây Côn Lĩnh… Những khu vực này đã và đang thu hút du khách trong và ngoài nước đến khám phá hệ sinh thái rừng nguyên sinh, tìm hiểu về văn hóa bản địa và tham gia vào các hoạt động du lịch mạo hiểm. Đây là hướng đi đầy tiềm năng, vừa giúp bảo vệ rừng, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân. Người dân đã tham gia vào các mô hình du lịch cộng đồng, cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch, homestay và bán các sản phẩm nông sản, thủ công truyền thống…
Đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Để đảm bảo phát triển lâm nghiệp bền vững theo tinh thần Nghị quyết 16, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng. Các chính sách bao gồm hỗ trợ cây giống, phân bón và kỹ thuật trồng trọt, đồng thời khuyến khích các hộ dân tham gia các hợp tác xã lâm nghiệp để tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng việc đào tạo, nâng cao năng lực quản lý rừng cho cán bộ và người dân địa phương, giúp họ nắm vững các phương pháp quản lý tài nguyên rừng hiệu quả và bền vững. Việc này không chỉ giúp bảo vệ rừng mà còn tạo điều kiện cho phát triển KT - XH, cải thiện đời sống của người dân.
Có thể khẳng định, phát triển lâm nghiệp bền vững là chiến lược quan trọng của tỉnh, nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo động lực cho phát triển kinh tế địa phương. Thông qua việc đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật và gắn kết lâm nghiệp với du lịch sinh thái, tỉnh ta đang từng bước xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc