Phát huy tinh thần lao động cần cù, dám nghĩ, dám làm
BHG - Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội Nông dân (HND) các cấp trên địa bàn huyện Vị Xuyên triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần khơi dậy tiềm năng, quyết tâm của hội viên trong phát triển kinh tế gia đình, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những tấm gương nổi bật
Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của HND huyện Vị Xuyên đã thu hút, khích lệ đông đảo hội viên, nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù chịu khó, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vươn lên, học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Từ phong trào này, xuất hiện nhiều gương điển hình tập thể, cá nhân làm kinh tế giỏi trong các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ... không những làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Anh Thượng Thái Cát, HTX Cát Lý, thôn Mịch B, xã Thuận Hòa là một trong những hội viên HND huyện làm giàu với mô hình trang trại chăn nuôi bò Vàng |
Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình có thể kể đến như: Hộ ông Nguyễn Trọng Huyên, thôn Bản Dâng, xã Cao Bồ với mô hình trồng, chế biến chè hữu cơ với diện là 5ha, cho thu hoạch mỗi một ha từ 1,5 đến 2 tấn chè búp tươi. Hàng năm thu mua chế biến được 35 - 40 tấn chè búp tươi, giá thành là từ 30 đến 50 nghìn đồng/1kg. Bên cạnh đó, gia đình ông còn nuôi 20 - 30 con lợn, đàn gia cầm 100 con trở lên, trong năm 2023 gia đình đã xuất chuồng 12 tấn lợn và 150kg gia cầm ra thị trường. Mỗi năm tổng thu nhập bình quân trên 1,6 tỷ đồng. Hội viên Lê Kim Lĩnh, thôn Trung Sơn, xã Trung Thành với mô hình chăn nuôi lợn rừng, hiện tổng số đàn duy trì nuôi thường xuyên từ 100 – 150 con. Hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 8 tấn; thu nhập bình quân khoảng 400 triệu đồng/năm.
Từ việc sản xuất, kinh doanh ổn định, cho thu nhập cao nhiều hội viên đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ngay tại địa phương. HTX Khanh Tâm, thôn Đông Cáp 1, thị trấn Vị Xuyên sản xuất, chế biến trà Oganic EU với quy mô diện tích 1.400m2, tổng doanh thu hàng năm đạt khoảng 1,7 tỷ đồng. Hiện nay, HTX đang duy trì 7 lao động thường xuyên; khi vào chính vụ sản xuất, chế biến trà có từ 15 đến 30 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương.
Nhiều cơ chế giúp hội viên vươn lên thoát nghèo
Việc người dân được tiếp cận các chính sách, dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của Chính phủ đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phủ rộng trên địa bàn huyện. Người nghèo ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, văn hóa, tín dụng; biết tính toán, biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp, gắn với yếu tố thị trường, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất…
Nhiều hội viên nông dân là phụ nữ trên địa bàn huyện cũng đã phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm để phát triển kinh tế |
Đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch HND huyện Vị Xuyên cho biết: Một trong những yếu tố quan trọng giúp hội viên nghèo vươn lên đó là nguồn vốn tín dụng chính sách. Trong giai đoạn 2022 – 2024 HND huyện đã hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Agribank huyện để giúp nông dân vay vốn. Hiện nay, số dư nợ qua 2 ngân hàng trên là hơn 164 tỷ đồng với 79 tổ, cho 2.930 lượt hộ vay để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. HND các cấp thực hiện tốt việc quản lý chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, uốn nắn những sai lệch nên các nguồn vốn do hội quản lý được sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, nợ quá hạn dưới mức cho phép. Bên cạnh đó, xây dựng vận động quỹ hỗ trợ nông dân, đến nay tổng dư nợ quỹ đã có 1,7 tỷ đồng, cho vay 4 dự án/ 27 hộ vay tại thị trấn Vị Xuyên, thị trấn Việt Lâm, xã Tùng Bá, xã Bạch Ngọc.
Ngoài ra, HND các cấp phối hợp với phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và các ngành chức năng của huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa công nghệ mới, hướng dẫn nông dân phát triển các mô hình sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham quan, học tập các mô hình điểm, mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong và ngoài địa phương với 170 lớp, có hơn 3.350 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham gia như: Phòng, chống sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh trên vật nuôi; quy trình sản xuất rau sạch, thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng các hoá chất bảo vệ thực vật độc hại, các chất kích thích không cần thiết...
Có thể thấy, từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã tạo động lực khích lệ, động viên hội viên nông dân trên địa bàn huyện Vị Xuyên thi đua lao động sản xuất góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: Hồng Cừ
Ý kiến bạn đọc