Nỗ lực vượt khó sau thiên tai

08:30, 18/10/2024

BHG - Chỉ trong 9 tháng, tỉnh ta đã hứng chịu 21 đợt mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, gây thiệt hại gần 1.500 tỷ đồng, làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước thách thức này, các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn kiên trì duy trì sản xuất, tạo việc làm và đóng góp tích cực vào phát triển của tỉnh.

Sản phẩm gạch tiêu thụ của Công ty Cổ phần Gạch cổ Bát Tràng Hà Giang bị giảm do thiên tai.
Sản phẩm gạch tiêu thụ của Công ty Cổ phần Gạch cổ Bát Tràng Hà Giang bị giảm do thiên tai.

Qua thực tế cho thấy do ảnh hưởng của thiên tai đã làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh; giảm năng suất lao động và doanh thu; ảnh hướng tới khách hàng và đối tác trong chuỗi cung ứng… Giám đốc Công ty Cổ phần Gạch cổ Bát Tràng Hà Giang, Nguyễn Văn Thùy cho biết: “Do các tuyến giao thông trong tỉnh thường xuyên bị sạt lở đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty. Trong 9 tháng qua, Công ty còn tồn hơn 5 triệu viên gạch thành phẩm. Năm 2023, Công ty sản xuất và tiêu thụ hơn 9 triệu viên gạch mỗi năm và đóng góp ngân sách Nhà nước khoảng hơn 5 tỷ đồng. Nhưng đến nay, sản lượng tiêu thụ đã tụt giảm hơn 40% so với năm 2023. Sản phẩm tồn kho còn nhiều nên Công ty đã phải dừng sản xuất trong 2 tháng, vì thế thu nhập của Công ty cũng như người lao động bị tụt giảm so với năm 2023. Để khôi phục sản xuất, kinh doanh sau thiên tai, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi”.

Cũng là doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ lâm sản trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Nhà máy Chế biến gỗ công nghiệp Vị Xuyên, Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ: “Nhà máy Chế biến gỗ công nghiệp Vị Xuyên gặp không ít khó khăn do thiên tai và sạt lở đường gây ra. Giao thông bị chia cắt cản trở việc thu mua nguyên liệu gỗ đầu vào phục vụ sản xuất và việc xuất hàng về cảng Hải Phòng. Sản lượng tụt giảm so với năm 2023 khoảng 40%. Thu nhập của người lao động cũng giảm khoảng 20% so với năm 2023”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp tháng 9 giảm 4,01% so với tháng trước. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 2,31% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, nhất là ở lĩnh vực nông, lâm sản đã chịu thiệt hại đáng kể do thiên tai làm đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn tỉnh đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Để doanh nghiệp có thể vươn lên, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh mong muốn Chính phủ và tỉnh nghiên cứu, triển khai các chính sách, giải pháp hữu hiệu nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cũng như giúp cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn”.

Với quyết tâm vượt qua khó khăn, đồng hành cùng tỉnh phát triển KT-XH, các doanh nghiệp đã chủ động khắc phục khó khăn trước mắt, duy trì sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh, nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế.

Bài, ảnh: Phi Anh

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển chăn nuôi gia súc tạo sinh kế cho người dân
BHG - Năm 2019, sản phẩm bò vàng của tỉnh ta được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Từ đó đến nay, các sản phẩm được chế biến từ bò vàng đã tạo vị thế vững chắc trên thị trường... Đây được xem là lợi thế phát triển đàn gia súc, giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững.
18/10/2024
Gieo trồng cây vụ Đông theo tín hiệu thị trường ở Yên Minh
BHG - Xác định sản xuất vụ Đông phải “chắc làm, chắc thắng”, huyện Yên Minh tập trung sản xuất theo hướng trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt quy luật “cung – cầu”, vừa góp phần bù đắp sản lượng lương thực thiếu hụt của vụ Mùa, đảm bảo tổng sản lượng lương thực cả năm, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với nhu cầu tiêu thụ của từng thị trường, từng thời điểm, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất.
18/10/2024
Xín Mần có 3 mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản
BHG - Từ đầu năm đến nay, đã có 3 sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Xín Mần đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bằng đường chính ngạch. Đây là điểm sáng của ngành nông nghiệp Xín Mần trong thời gian qua, từng bước đưa nông nghiệp của huyện phát triển, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
16/10/2024
Chuyển giao kỹ thuật, đổi mới canh tác ở Hoàng Su Phì
BHG - Xác định việc chuyển giao các ứng dụng kỹ thuật mới, nhằm tăng giá trị sản xuất trên cùng một diện tích cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông triển khai thực hiện thí điểm trồng, cấy áp dụng theo kỹ thuật mới trên một số loại cây trồng như lúa, ngô, đậu tương, lạc với quy mô hơn 16 ha tại 7 xã: Tụ Nhân, Pố Lồ, Thàng Tín, Đản Ván, Bản Luốc, Tân Tiến và Chiến Phố.
16/10/2024