Sau lũ, người dân cần giống, vật tư... để khôi phục sản xuất

13:30, 18/09/2024

BHG - Đến các vùng trong huyện Bắc Quang bị ảnh hưởng mưa, lũ do cơn bão số 3, thật xót xa, mọi nguồn cơn nguy kịch tuy đã đi qua, nhưng hậu quả thiệt hại do lũ lụt để lại thì khó nói hết bằng lời...

Tại thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo - xã nằm trong vùng rốn ngập úng, sạt lở bên bờ sông Bạc, cảnh ruộng, vườn xác sơ. Một người dân chỉ cho tôi vạt ngô rộng dọc sông Bạc thốt lên nghẹn ngào: Gia đình không có ruộng, cả nhà trông vào vạt ngô, vườn cam, cây bưởi. Bây giờ lũ đi qua, ngô thì thối, cam thì rụng, cây cam, gốc bưởi cũng bắt đầu thối rễ từ gốc lan đến cành.

Đến thôn Thọ Quang, chúng tôi gặp anh Bàn Văn Chuyền đang phơi mình trong nắng gắt sau lũ ngó tìm, lựa hái nốt những quả chanh còn xót lại, anh cho biết: Gia đình có trên 300 gốc chanh Tứ mùa đang cho thu hái. Lũ về, ngập úng 3 ngày liên tục rồi nắng gắt 33- 34 độ, chanh đã thối gốc, quả thì rũ, rụng. Cả nhà đang cùng nhau phát dọn gốc chanh xem có phục hồi, còn không thì chặt bỏ, vay vốn trồng cây khác thay thế trước khi Tết đến, Xuân về. Mong rằng, sau lũ Nhà nước sẽ hỗ trợ kịp thời người dân cây giống phù hợp, có vốn, có phân bón, có kỹ thuật để sớm khôi phục sản xuất.

Người dân thôn Thọ Quang, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) khắc phục thiệt hại sau lũ.
Người dân thôn Thọ Quang, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) khắc phục thiệt hại sau lũ.
 

Đến với ruộng lúa của gia đình chị Hoàng Thị Giang, thôn Thọ Quang, lúa đổ rạp, bết bát bùn đen sau lũ. Chị Giang nói, mất hết anh à, lúa mới vào chắc thì bị ngập trong bùn đất, giờ đã bốc mùi, coi như bỏ đi. Mong muốn của người dân chúng tôi bây giờ là cày bừa, làm đất chuẩn bị trồng thay thế sớm cây vụ Đông. Trồng cấy vụ Đông được sớm ngày nào hay ngày ấy anh ạ. Còn nếu làm chậm, lại thiếu giống, vốn, vật tư, không kịp thời vụ thì dân sẽ không có nguồn thu bù đắp mất mát sau lũ. Khó khăn nhất là thời gian còn quá ngắn, làm không nhanh thì Tết đến, Xuân về sẽ rất khó khăn...

Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hảo, Hoàng Văn Xuân cho biết: Lũ lụt vừa qua làm cho 71 hộ/6 thôn bị ngập nước phải di dời. Thiệt hại bước đầu xác nhận có 20 ha lúa, ngô bị hỏng; khoảng 20 ha cây ăn quả bị thối gốc, rụng quả, trên 5,9 ha ao nuôi cá cùng rất nhiều gia súc, gia cầm buộc phải di dời, một phần bị lũ cuốn trôi, kèm theo nhiều tuyến đường bê tông bị lũ làm hư hại... Giải pháp trước mắt Vĩnh Hảo sẽ rà soát lại diện tích cây trồng bị hư hại, đề ra phương án cụ thể cho từng loại đất canh tác để có phương án cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con phục hồi sản xuất. Đối với vật nuôi, sẽ kiến nghị Ngân hàng giãn hoãn, hoặc giảm lãi suất vay đối với các hộ bị thiệt hại nặng; có giải pháp hỗ trợ cho vay nối tiếp để phục hồi chăn nuôi đối với những hộ có nhu cầu vay vốn.

Trao đổi với Trưởng phòng NN & PTNT Bắc Quang, Trần Minh Hữu, được biết: Lũ lụt xảy ra tại 22/23 xã, thị trấn, 136 thôn, tổ dân phố, số hộ bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng trên 3.200 hộ. Tổng thiệt hại ước tính trên 15 tỷ đồng. Những thiệt hại nêu trên, Phòng NN & PTNT đã kịp thời tham mưu cho chính quyền các xã, thị trấn rà soát toàn bộ thiệt hại, đưa ra giải pháp khắc phục cụ thể cho từng xã, thị trấn, cho từng thôn bản theo tính đặc thù từng địa bàn dân cư. Đồng thời, tham mưu trình UBND huyện Bắc Quang xem xét các biện pháp hỗ trợ giống, vốn, vật tư phân bón để người dân có đủ nguồn lực phục hồi sản xuất sớm nhất.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Phùng Viết Vinh khẳng định: UBND huyện sẽ ứng trước kinh phí dự phòng từ ngân sách huyện hỗ trợ người dân có đủ giống, vốn, vật tư để trồng cấy cây vụ Đông kịp thời vụ. UBND huyện cũng xem xét mở rộng thêm diện tích trồng cây vụ Đông; quyết tâm lấy sản xuất vụ Đông bù thiệt hại cho vụ Mùa. Đối với ngành chăn nuôi, ngay trước mắt UBND huyện Bắc Quang sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp thiệt hại để hỗ trợ thỏa đáng người dân bị thiệt hại do lũ lụt. Còn về dài hạn, sẽ kiến nghị với UBND tỉnh để có chính sách cụ thể giúp cho người chăn nuôi sớm tái đàn, duy trì sản xuất và ổn định đời sống một cách bền vững.

Bài, ảnh: NGUYỄN HÙNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tạo động lực để bản làng no ấm
BHG - Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) gắn với tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống đang tạo ra cuộc sống ấm no cho đồng bào biên cương cực Bắc.
30/08/2024
Đồng hành cùng các tiểu thương
BHG - Cho tiểu thương vay vốn kinh doanh, buôn bán được đánh giá có hiệu quả cao do bên vay sử dụng vốn tạo lập doanh thu và thu nhập trực tiếp. Vì vậy Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh huyện Xín Mần đã tạo điều kiện đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của các khách hàng là tiểu thương trên địa bàn huyện, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
29/08/2024
Góp sức xây dựng thương hiệu Bò vàng Hà Giang
BHG - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó nhiều địa phương triển khai các mô hình phát triển chăn nuôi bò, góp phần hỗ trợ người dân có việc làm, từng bước thoát nghèo. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của nhiều địa phương, các mô hình vẫn đơn thuần, nhỏ lẻ, theo hình thức truyền thống.
17/09/2024
Kỳ vọng giảm nghèo bền vững từ nuôi cá nước lạnh
BHG - Tận dụng lợi thế khí hậu mát mẻ, nguồn nước lạnh ổn định, huyện Xín Mần đã triển khai dự án liên kết nuôi cá nước lạnh tại xã Quảng Nguyên, Nà Chì và Nấm Dẩn. Sau một năm thực hiện, dự án đang đem lại nhiều tín hiệu tích cực và giúp người dân có hướng đi phù hợp trong giảm nghèo bền vững.
15/09/2024