Tạo “cú hích” cho kinh tế tập thể trong nông nghiệp
BHG - Xác định nông nghiệp giữ vai trò trụ cột trong nền kinh tế nên tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững bằng việc phát huy vai trò Hội Nông dân các cấp để tạo “cú hích” cho kinh tế tập thể trong nông nghiệp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XVII.
Khẳng định vai trò kinh tế tập thể
Hiện, toàn tỉnh có 495 hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chiếm 58,6% số HTX của tỉnh; có 1.451 tổ hợp tác (THT) hoạt động với trên 21 nghìn thành viên, hoạt động trên các lĩnh vực dịch vụ nông, lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Hội Nông dân các cấp trực tiếp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập được 21 HTX và 56 THT trong nông nghiệp với gần 8 nghìn hội viên nông dân tham gia. Có 141 chi hội nông dân nghề nghiệp, 615 tổ hội nông dân nghề nghiệp do Hội Nông dân thành lập, chỉ đạo hoạt động. Các HTX, THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc tác động, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển.
Hợp tác xã cộng đồng Nặm Đăm (Quản Bạ) sản xuất các sản phẩm từ dược liệu. |
HTX Tuấn Dũng được biết đến là đơn vị “đầu tàu” trong phát triển kinh tế tập thể ở miền đá Mèo Vạc; trong đó nghề nuôi ong lấy mật được HTX ưu tiên phát triển. Anh Thèn Văn Hải, Giám đốc HTX cho biết: Kể từ khi thành lập, HTX không ngừng mở rộng quy mô, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm mang lại lợi ích toàn diện về kinh tế, đời sống, an toàn lao động cho thành viên. Để nâng tầm sản xuất, chất lượng nhân lực là yếu tố được HTX quan tâm hàng đầu, hiện HTX đang có đội ngũ cán bộ, cộng tác viên kỹ thuật lành nghề, làm chủ quy trình sản xuất an toàn trong tất cả các khâu, từ nhân giống, chăm sóc, chế biến đến khai thác, tiêu thụ sản phẩm. Đóng góp của HTX không chỉ giúp gia tăng về hiệu quả kinh tế mà còn góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của người nuôi ong trên địa bàn, giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo ngay tại quê hương.
Theo đánh giá, mặc dù kinh tế tập thể có sự phát triển mạnh mẽ nhưng hiệu quả hoạt động của HTX, THT còn hạn chế; số lượng HTX tham gia liên kết, ứng dụng công nghệ cao còn ít. Liên kết chuỗi giá trị giữa hộ nông dân, THT, HTX với doanh nghiệp thiếu bền vững, chưa gắn kết hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các bên tham gia. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý còn nhiều bất cập. Đa số các HTX quy mô nhỏ, nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc, chưa có đủ kho tàng, sân bãi, thiếu vốn để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh; đa số HTX không có tài sản thế chấp, khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh của các HTX chưa bắt kịp với xu hướng công nghệ hiện nay; việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX còn hạn chế, bất cập.
Đồng bộ giải pháp phát triển
Tháo gỡ khó khăn, tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và người nông dân về kinh tế tập thể; vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, nhất là HTX kiểu mới. Nâng cao năng lực tổ chức quản lý, điều hành HTX, THT, chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ hội cơ sở, hội viên nông dân đang là cán bộ, thành viên HTX, THT, chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Sùng Mí Thề chia sẻ: Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh từng địa phương, tỉnh chú trọng tập hợp, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm tạo việc làm, nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, phát triển KT – XH, xây dựng Nông thôn mới. Xây dựng các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp ở những tổ chức kinh tế tập thể có điều kiện, góp phần phát triển quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng các loại hình kinh tế tập thể một cách bền vững, hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn.
Đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông”; “Nhà nông đua tài” để thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh. Rà soát kết quả hoạt động, đề xuất các giải pháp cụ thể hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX, THT nông nghiệp; phối hợp với các cơ quan chức năng sắp xếp, tổ chức lại HTX, THT nông nghiệp hoạt động không hiệu quả, ngừng hoạt động. Đẩy mạnh chuyến đổi số trong sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm.
“Các cấp hội đang tích cực phối hợp để hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của HTX, THT nông nghiệp và thành viên; nâng cao số lượng và chất lượng các dịch vụ đối với HTX, THT nông nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của từng địa phương. Khuyến khích, vận động, hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có uy tín làm nòng cốt, hạt nhân thành lập HTX, THT nông nghiệp” – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sùng Mí Thề cho biết thêm.
Bài, ảnh: Kim Tiến
Ý kiến bạn đọc