Xã Nghĩa Thuận tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

10:10, 29/07/2024

BHG - Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của địa phương, trong đó lĩnh vực trồng trọt là mũi nhọn, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhờ đó, nền kinh tế của xã ngày càng phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, xã Nghĩa Thuận tập trung mục tiêu cải tạo vườn tạp và nâng cao giá trị cây trồng. Quá trình chuyển đổi được thực hiện trên cơ sở chuyển từ diện tích cây trồng kém năng suất, chất lượng và trồng xen canh. Các loại cây được lựa chọn đưa vào trồng thí điểm rất đa dạng, chủ yếu là cây ăn quả, rau màu có giá trị kinh tế cao. Để lựa chọn cây trồng phù hợp, hằng năm, thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, xã tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn để khảo sát về điều kiện khí hậu, xét nghiệm mẫu đất, nguồn nước; tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật làm đất, chăm sóc, cấy ghép cây trồng... tại vườn theo phương châm “cầm tay chỉ việc”; tổ chức tham quan học tập mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả ở các địa phương khác. 

Mô hình trồng ớt ngọt của hộ anh Sân Sài Cáo, thôn Na Lình. 
Mô hình trồng ớt ngọt của hộ anh Sân Sài Cáo, thôn Na Lình. 

Tại thôn Na Lình, anh Sân Sài Cáo là một trong những hộ tiên phong đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Từ năm 2020 với hơn 1.000m2 đất ruộng, gia đình anh quyết định chuyển sang trồng cây ớt ngọt. Anh Cáo chia sẻ: “Cây ớt ngọt là loại cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Từ khi xuống giống khoảng 3 tháng cây sẽ bắt đầu cho quả và cho thu hoạch kéo dài 5 - 6 tháng, chăm sóc tốt có thể lên đến 1 năm. Trước khi quyết định chuyển sang trồng ớt tôi rất lo lắng vì chưa nắm được kỹ thuật, nhưng được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn cách trồng và chăm sóc nên vườn ớt của tôi đã ra quả và phát triển tốt, cho năng suất cao, trung bình mỗi cây cho thu hoạch khoảng 1kg. Bán ra thị trường được từ 20.000 đồng/kg, mỗi vụ thu về 40 triệu đồng".

Không chỉ riêng gia đình anh Sân Sài Cáo, trên địa bàn xã cũng nhiều gia đình tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng như gia đình ông Hồ Dền Quẩy, thôn Pả Láng, ông Don Chính Phát, thôn Phín Ủng và nhiều hộ dân khác trong xã cũng bắt đầu chuyển đổi những ruộng, nương ngô kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn như: Hồng không hạt, mận, rau đậu, dược liệu; qua đó, nhiều người dân trong xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn xã là 1.022 ha, gồm: 245 ha cây hồng không hạt; 110 ha cây dược liệu; 115 ha rau đậu các loại... 

Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thuận, Nguyễn Đăng Hiếu cho biết: “Những năm qua, xã đã tập trung chỉ đạo sản xuất, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn và đây là hướng đi đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực tại địa phương. Thời gian tới xã sẽ tập trung chú trọng xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết để hình thành chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; hình thành vùng sản xuất chuyên canh áp dụng một số khâu công nghệ cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm; phát huy tối đa lợi thế của địa phương trong sản xuất nông nghiệp.”

Nhờ có chủ trương đúng và những giải pháp tích cực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nông dân xã Nghĩa Thuận đã thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế hộ. Qua đó, giúp người dân giảm nghèo bền vững và từng bước vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Góp phần quan trọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.

Bài, ảnh: NGUYỄN DỊU


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hỗ trợ người dân chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại
BHG - Thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP Chính phủ về thực hiện chính sách tín dụng giúp người dân phát triển nông nghiệp, nông thôn; Agribank Chi nhánh huyện Vị Xuyên đã triển khai nhiều cơ chế tín dụng, khuyến khích nhân dân mở rộng chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại nhằm cải thiện thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.
27/07/2024
Nguồn vốn đồng hành phát triển kinh tế vườn rừng
BHG - Bắc Mê là một trong những huyện có diện tích rừng lớn nhất trong tỉnh, lên đến gần 53.700 ha, trong đó, riêng rừng sản xuất là 25.500 ha. Rừng không chỉ là “lá phổi xanh” điều hoà khí hậu mà còn là nguồn thu nhập cho người dân. Bên cạnh sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh huyện Bắc Mê đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng thông qua hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn rừng.
26/07/2024
Giải pháp nâng cao hiệu quả cải tạo vườn tạp ở Bắc Quang
BHG - Nhằm thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Cải tạo vườn tạp, phát triến kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025”, huyện Bắc Quang đã chỉ đạo các xã, thị trấn, trên cơ sở mục tiêu nghị quyết và căn cứ vào đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng để xây dựng kế hoạch cụ thể hóa, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm đem lại thu nhập ổn định cho người dân theo hướng bền vững. 
26/07/2024
Sùng Minh Quang làm giàu trên mảnh đất quê hương
BHG - Sinh năm 1998, đoàn viên Sùng Minh Quang, dân tộc Mông, thôn Suôi Thầu, thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) khiến nhiều người nể phục bởi đức tính chịu khó, ham học hỏi và dám nghĩ, dám làm khi quyết định đầu tư phát triển kinh tế từ cây ăn quả. Anh là một trong những thanh niên trẻ, tiên phong làm giàu trên chính mảnh vườn của gia đình mình.
24/07/2024