Phố Cáo đa dạng các mô hình phát triển kinh tế

14:26, 23/07/2024

BHG - Những năm qua, đẩy mạnh phong trào thi đua hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP- AN, xã Phố Cáo (Đồng Văn) đã thực hiện đa dạng các mô hình phát triển kinh tế, qua đó từng bước tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Phố Cáo là xã biên giới, cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 30 km, chủ yếu người dân là đồng bào dân tộc Mông. Với mục tiêu phấn đấu năm 2024 xã giảm 6-7% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2023, ngay từ đầu năm, bên cạnh công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện, xã đã tập trung chỉ đạo phát triển KT - XH. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển chăn nuôi, trồng trọt, duy trì nhân rộng các mô hình có hiệu quả trên địa bàn xã và thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ. 6 tháng đầu năm, toàn xã thực hiện gieo trồng được trên 257 ha cây ngô, trên 178 ha lúa và gần 87 ha rau, đậu các loại, hiện đang cho thu hoạch với sản lượng khá. Xã hiện duy trì 36 vườn được cải tạo đạt 4 tiêu chí, thu nhập bình quân đạt 5,5 triệu đồng/vườn/tháng. Để nâng cao năng suất, UBND xã chỉ đạo các hộ triển khai trồng rau xen canh cùng vườn cây ăn quả lâu năm. Xã cũng duy trì 5 gia trại chăn nuôi lợn quy mô từ 20 con trở lên. Ngoài ra còn có các gia trại, gia cầm vừa và nhỏ, một số gia trại đã cho thu nhập ổn định.

Xưởng sản xuất bánh đá Quang Thanh, thôn Lán Xì B, có thu nhập cao, ổn định.
Xưởng sản xuất bánh đá Quang Thanh, thôn Lán Xì B, có thu nhập cao, ổn định.

Anh Vi Văn Sính, thôn Lán Xì B là một trong những hộ đi đầu trong phát triển kinh tế theo hướng gia trại,  đã nuôi gà xương đen cách đây nhiều năm với quy mô gần 700 con. Đầu năm nay, anh đã đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng lại chuồng trại kiên cố, rộng rãi, dự kiến nuôi được khoảng 2.000 con. Đến nay, anh đang nuôi lứa đầu tiên với quy mô 300 con, hiện đang phát triển tốt. Với giá bán gà thịt hiện tại từ 140-150 nghìn đồng/kg, dự kiến khi xuất bán có thể thu được khoảng 100 triệu đồng. Anh Sính cho biết: Với khí hậu, thời tiết tại địa phương, mỗi năm có thể nuôi được 2 lứa gà thịt; tuy vất vả nhưng thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với việc trồng trọt, chăn nuôi truyền thống. Tôi cũng đã cùng cán bộ xã hướng dẫn 1 số hộ về kỹ thuật, cách chọn giống gà xương đen để bà con bắt đầu nuôi từ quy mô nhỏ lẻ, giúp từng bước tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Bên cạnh duy trì sản xuất nông nghiệp truyền thống, người dân trên địa bàn xã Phố Cáo cũng phát triển một số nghề như: Nghề đan lát quẩy tấu, may mặc, sửa chữa xe máy, kinh doanh các mặt hàng tạp hóa… cho thu nhập bình quân từ 2-10 triệu đồng/tháng.

Xưởng sản xuất bánh đá Quang Thanh, thôn Lán Xì B hiện là xưởng sản xuất có doanh thu cao của xã Phố Cáo. Chị Vũ Thị Thanh, chủ xưởng chia sẻ: Bánh đá là bánh truyền thống của đồng bào người Hoa, trước đây bánh đá chỉ làm vào các dịp lễ, Tết. Những năm trở lại đây, do nhu cầu của người tiêu dùng nên được sản xuất với số lượng lớn, vì vậy, năm 2020, gia đình tôi đã thành lập xưởng với quy mô nhỏ. Bánh đá được làm từ gạo tẻ ngon, hoàn toàn làm thủ công từ khâu chọn gạo, nhào bột, nặn. Màu bánh cũng được ngâm từ màu tự nhiên như lá cẩm, thanh long, hoa đậu biếc… Bánh có thể chế biến được nhiều món như: Ăn lẩu, rán, nướng, nấu chè, hấp. Vì vậy vào cao điểm mùa Đông, mỗi ngày xưởng tiêu thụ gần 1 tấn bánh; mùa Hè thấp hơn với khoảng trên 200 kg. Hiện, giá bánh được bán tại xưởng từ 20-25 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, trừ thu nhập gia đình tôi thu về khoảng trên 300 triệu đồng. Được biết, xưởng sản xuất của gia đình chị Thanh còn tạo việc làm ổn định cho 2 nhân công với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. Vào mùa cao điểm, xưởng tạo việc làm cho khoảng 10 nhân công, lương trả theo sản phẩm. Vì vậy có những người có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.

Đồng chí Dương Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Phố Cáo cho biết: Phố Cáo là xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện, nhưng có một số thuận lợi sẵn có như có chợ Phố Cáo là nơi tập trung giao thương, buôn bán của đông đảo người dân trong huyện và huyện lân cận như Yên Minh, Mèo Vạc; nằm trên trục Quốc lộ 4C, thuận tiện đi lại, giao thương; một số thôn có diện tích đất trồng trọt và nước sản xuất thuận lợi… Vì vậy, những năm qua, dưới sự định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con nhân dân trong xã đã nỗ lực phát triển đa dạng các mô hình kinh tế từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt đến mô hình kinh doanh vừa và nhỏ mang lại thu nhập ổn định. Nhờ đó, người dân phấn khởi, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phong trào phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống văn minh. Đến nay xã đã thực hiện đạt 13 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, là nền tảng để thúc đẩy phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: MY LY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng hành cùng bà con nông dân
BHG - Định hướng chủ trương, ban hành chính sách, hỗ trợ nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết chuỗi giá trị, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu... Đây là những hành động cụ thể của huyện Vị Xuyên để đồng hành, hỗ trợ người nông dân, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị thu hoạch trên diện tích đất canh tác hàng năm.
23/07/2024
Giá hàng hóa thiết yếu ổn định sau tăng lương cơ sở
BHG - Lương cơ sở đã chính thức tăng từ ngày 1.7, có ý nghĩa rất lớn đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Việc tăng lương không chỉ giúp cải thiện đời sống của người lao động mà còn kích thích sức mua góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất. Ngay sau khi tăng lương thì giá cả các mặt hàng thiết yếu chỉ tăng nhẹ, thị trường cơ bản ổn định.
22/07/2024
Phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” ở Mèo Vạc
BHG - Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Mèo Vạc không những chăm lo phát triển kinh tế gia đình mà còn đoàn kết, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
22/07/2024
Mặt trận Tổ quốc xã Pải Lủng cùng người dân phát triển kinh tế
BHG - Pải Lủng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mèo Vạc. Phần lớn diện tích tự nhiên của xã là núi đá, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước thực tế trên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã đã phát huy vai trò, trách nhiệm, cùng cấp ủy, chính quyền xã chung tay thực hiện công tác giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
21/07/2024