Phát huy các nguồn lực của nền kinh tế
BHG - Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15.1.2019 của Bộ Chính trị khóa XII về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Trong 5 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng do đại dịch Covid – 19 và cuộc xung đột Nga – Ukraina gây ra, nhưng tỉnh ta đã quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả các nguồn lực, góp phần thúc đẩy KT – XH phát triển nhanh và bền vững.
Khai thác hiệu quả các nguồn lực
Trong các nguồn lực của nền kinh tế, nguồn nhân lực được xác định là nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển. Tỉnh đã ban hành và triển khai quyết liệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023 - 2030; các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, quy mô giáo dục, đào tạo, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được đầu tư, phát triển đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, tập trung nâng cao dân trí, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực cho tỉnh. Thành lập phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang, phục vụ nhu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh và cả nước. Chú trọng hợp tác, liên kết với các trường đại học. Xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao của tỉnh với 30.483 cán bộ, trong đó trình độ chuyên môn Tiến sĩ và tương đương 54 đồng chí, Thạc sĩ/chuyên khoa cấp I là 1.300 đồng chí, đại học 18.635 đồng chí...
Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 đang tích cực được triển khai. |
Hoạt động đào tạo nghề được quan tâm, đổi mới theo hướng gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, giải quyết việc làm. Trong 5 năm, tỉnh đã đầu tư, mua sắm trang thiết bị máy móc cho 10 ngành, nghề trọng điểm cấp quốc gia; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã tuyển sinh được 62.197 người. Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 52,6% năm 2019 lên 58,8% năm 2023.
Là tỉnh miền núi, biên giới, địa đầu Tổ quốc, nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm thấp, nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển nền kinh tế chủ yếu do ngân sách T.Ư cấp. Vì vậy, tỉnh đặc biệt quan tâm và xác định sử dụng hiệu quả các nguồn tài lực hiện hữu. Giai đoạn 2019 - 2023, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 11.921 tỷ đồng, bình quân 2.384 tỷ đồng/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh đạt trên 62.486 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư của nhà nước đạt 20.409 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,66%; vốn đầu tư của dân cư và các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân ước đạt 35.488,54 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 85 tỷ đồng và vốn huy động khác ước đạt trên 6.503 tỷ đồng. Các nguồn vốn được ưu tiên, huy động, phân bố và sử dụng hiệu quả để tập trung cho phát triển hạ tầng KT - XH, đặc biệt triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng, có tính chất vùng, liên vùng, có vai trò lan tỏa trong phát triển KT – XH. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp, đảm bảo việc bố trí, sử dụng vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, năm 2023 tỷ lệ giải ngân đạt 90,47% kế hoạch vốn NSNN; các Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai toàn diện; chương trình phục hồi KT – XH được triển khai đồng bộ, hiệu quả; một số dự án trọng điểm đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, nhất là Đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang.
Cùng nguồn nhân lực, tài lực, các tiềm năng lợi thế và các nguồn vật lực, hạ tầng KT – XH của tỉnh được như đất đai, khoáng sản, danh lam thắng cảnh, cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông, thủy lợi, điện, khu - cụm công nghiệp, y tế, giáo dục... được khơi thông, khai thác tối đa, phát huy hiệu quả cao nhất như: 28 loại khoáng sản kim loại với trữ lượng thăm dò trên 100 triệu tấn; trên 9.146 km đường bộ, 19 bến đò sông; 4.360 công trình, hệ thống công trình thủy lợi, trên 4.437 km kênh mương; 45 nhà máy thủy điện, hàng năm đóng góp khoảng 3.355 triệu kwh điện, doanh thu trên 3.500 tỷ đồng; 100% các khu vực đô thị trên địa bàn toàn tỉnh có hạ tầng đảm bảo cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet; đầu tư Khu công nghiệp Bình Vàng diện tích 142 ha, Khu Kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy diện tích trên 50 ha, với tổng số 68 dự án đăng ký, tổng vốn đăng ký gần 4.700 tỷ đồng...
Nền kinh tế có nhiều điểm sáng
Cán bộ xã Ngọc Long (Yên Minh) kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây lúa. |
Để triển quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế theo Nghị quyết số 39, tỉnh ta đã tổ chức các hội nghị quán triệt, học tập, triển khai từ tỉnh đến xã với trên 8.000 lượt cán bộ, đảng viên tham gia. BTV Tỉnh ủy chỉ đạo cụ thể hoá bằng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, trong đó có 156 Nghị quyết của HĐND tỉnh nhằm khai thác nguồn lực trong các lĩnh vực. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể... góp phần xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế.
Kết quả, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW các cấp ủy Đảng đã có bước đổi mới trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc tổ chức, phối hợp triển khai thực hiện; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm, chương trình phục hồi và phát triển KT – XH, chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; bảo đảm an sinh xã hội; ổn định và cải thiện đời sống người dân; bảo đảm vững chắc QP- AN, trật tự an toàn xã hội; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị...
Minh chứng là nền kinh tế tỉnh phát triển với nhiều điểm sáng nổi bật như: Tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh) bình quân giai đoạn 2019 - 2023 đạt khoảng 4,89%; quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2023 đạt trên 32 nghìn tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2019; GRDP bình quân đầu người tăng từ 28,19 triệu đồng năm 2019 lên 36,05 triệu đồng năm 2023. Toàn tỉnh có thêm 35 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (nâng tổng số xã đạt chuẩn Nông thôn mới lên 51 xã). Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đã được triển khai thực hiện; các tuyến Quốc lộ 279, 4C, 34 và Tỉnh lộ 176, 176B, 177, 178, 183... được nâng cấp. Năm 2023, kim ngạch xuất ,nhập khẩu đạt 130 triệu USD; tỉnh đón 3 triệu lượt khách du lịch, tăng 140% so với năm 2020, tổng doanh thu du lịch đạt 7.050 tỷ đồng. Chỉ số PCI tăng 2 bậc so với năm 2019; các chỉ số cải cách hành chính năm đều tăng cao, trong đó chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tăng 4 bậc, vươn lên vị trí thứ 31/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) tăng 27 bậc, vươn lên vị trí thứ 23/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 34 bậc, vươn lên vị trí thứ 11/63 tỉnh, thành phố...
Các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy; công tác xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trên địa bàn tỉnh được đồng bào các dân tộc hưởng ứng; an sinh xã hội, đời sống của nhân dân được chăm lo, cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 42,61% (năm 2023); xây dựng được 6.700 nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo. QP - AN được tăng cường và củng cố; hoạt động đối ngoại thu được nhiều kết quả tích cực; xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể có nhiều tiến bộ, hệ thống chính trị các cấp được củng cố và tăng cường, trở thành nền tảng vững chắc cho tỉnh phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc