Hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, hiện đại ở Bắc Quang
BHG - Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; triển khai các chương trình nông nghiệp trọng tâm; phát triển mô hình nông, lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao… Đây là những giải pháp chiến lược được cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang quan tâm thực hiện nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, hiện đại, phát triển thịnh vượng và bền vững.
Vụ Xuân vừa qua, 130 hộ dân của 5 xã: Quang Minh, Vĩnh Phúc, Liên Hiệp, Đồng Tâm, Kim Ngọc đã chuyển đổi 20,85 ha đất trồng lúa không chủ động về nước tưới sang trồng dưa chuột, cho sản lượng 355 tấn quả, lợi nhuận sau đầu tư đạt gần 90 triệu đồng/ha. Điều đặc biệt ở đây, thông qua liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, toàn bộ sản phẩm dưa chuột của người dân được Hợp tác xã (HTX) Rau, củ quả Hướng Đạo (tỉnh Vĩnh Phúc) thu mua với giá trung bình 6.000 đồng/kg. Từ kết quả trên, có 2 xã Vĩnh Phúc, Quang Minh tiếp tục duy trì 4,8 ha dưa chuột trong sản xuất vụ Mùa. Đến vụ Đông, mô hình này sẽ được triển khai nhân rộng ra toàn huyện theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm giữa người dân với HTX – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Bắc Quang, Trần Minh Hữu cho biết. Còn tại xã Vĩnh Phúc, Đồng Tiến, HTX Nông dược sạch Đức Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) liên kết với 31 hộ dân trồng gần 10 ha ớt xuất khẩu. HTX đã tiến hành thu mua 18 tấn ớt cho người dân với giá 16.000 đồng/kg.
Người dân xã Hữu Sản cơ giới hóa khâu làm đất, nâng cao hiệu quả sản xuất. |
Tương tự HTX, không ít doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với người dân, kết “trái ngọt” trong sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như liên kết trồng 5,6 ha cây Nhân trần giữa người dân xã Hùng An, Quang Minh, thị trấn Việt Quang với Công ty Cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng. Còn Công ty Cổ phần nông nghiệp An Đạt Thành Hà Giang liên kết với 45 hộ dân/9 thôn của xã Quang Minh trồng 5,47 ha sả Srilanka gắn với chưng cất tinh dầu. Anh Nguyễn Văn Băng, thôn Tân Lâm chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi có hơn 2.000 m2 đất sản xuất chè nhưng giá trị kinh tế thấp, thu nhập chỉ từ 5 – 8 triệu đồng/năm; từ khi chuyển đổi sang trồng sả Srilanka, hiệu quả kinh tế cao hơn, đầu ra ổn định hơn khi có doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Trung bình 1 năm, gia đình tôi thu hoạch 3 lứa sả, mang lại nguồn thu nhập từ 21 – 24 triệu đồng/năm”.
Ngoài các điển hình trên, huyện Bắc Quang còn thực hiện 25 chuỗi liên kết sản xuất khác nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao trình độ sản xuất, nâng cấp chuỗi cung ứng vật tư, chuỗi giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân. Tiêu biểu có thể kể đến 4 chuỗi liên kết chăn nuôi gà Ri lai (thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia). Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn: Mặc dù các hộ tham gia dự án đều là hộ nghèo, cận nghèo (nguồn vốn đối ứng thấp) tuy nhiên, qua bước đầu triển khai dự án đã mang lại thu nhập cho người dân từ 25 – 30 triệu đồng/hộ/lứa.
Trồng sả Srilanka theo chuỗi giá trị giúp người dân xã Quang Minh nâng cao thu nhập. |
Thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp trọng tâm, hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Quang có 283 mô hình nông, lâm nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, trở thành điểm sáng trong “bức tranh” nông nghiệp thịnh vượng của địa phương. Nổi bật trong đó, nhiều mô hình trồng trọt có giá trị thu nhập lên đến hơn 1 tỷ đồng/năm như: Mô hình trồng cam theo hướng hữu cơ của HTX Cam VietGAP (xã Vĩnh Phúc), HTX Thanh niên xã Vĩnh Phúc. Riêng Tổ hợp tác trồng cam VietGAP Khuổi Le (xã Đông Thành) có quy mô 100 ha cam, giá trị lợi nhuận đạt hơn 6,6 tỷ đồng/năm. Điển hình trong chăn nuôi phải kể đến hộ ông Nguyễn Xuân Đoàn (thị trấn Vĩnh Tuy) với quy mô 200 con lợn/lứa nuôi, lợi nhuận đạt hơn 1,4 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, huyện Bắc Quang đã có trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt quy mô lớn lên đến 10.000 con/lứa nuôi của Công ty Cổ phần Acnor Việt Nam (xã Việt Vinh), mang lại lợi nhuận hơn 17 tỷ đồng mỗi năm...
Trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây con có thế mạnh đặc trưng, phù hợp theo tín hiệu thị trường, huyện Bắc Quang đã tập trung phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao. Đến nay, toàn huyện có hơn 40 sản phẩm được công nhận OCOP 3 – 4 sao cấp tỉnh; trong đó, nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm, đồ uống, thảo dược như: Cam, chè, Thanh long ruột đỏ, gà đồi muối hong khói, trà tiêu thực… Qua đó, góp phần tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở nông thôn, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế nông thôn, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc