Giá hàng hóa thiết yếu ổn định sau tăng lương cơ sở
BHG - Lương cơ sở đã chính thức tăng từ ngày 1.7, có ý nghĩa rất lớn đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Việc tăng lương không chỉ giúp cải thiện đời sống của người lao động mà còn kích thích sức mua góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất. Ngay sau khi tăng lương thì giá cả các mặt hàng thiết yếu chỉ tăng nhẹ, thị trường cơ bản ổn định.
Theo đó, lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Ghi nhận tại chợ trung tâm TP. Hà Giang, trừ thịt lợn tăng từ 10 đến 20% do thiếu hụt nguồn cung, giá cả thị trường vẫn giữ nguyên. Cụ thể, giá từ 130 đến 160 nghìn đồng/1kg; thịt bò 250 ngàn đồng/kg; tôm 220-280 ngàn đồng/kg; cá từ 80 đến 100 nghìn/1kg, tùy kích cỡ; gà 120 đến 160 đồng/1kg.
Khách hàng mua rau tại sạp hàng của tiểu thương Lê Thị Kim Dung, chợ Hà Giang |
Đối với mặt hàng rau, củ, quả, thời điểm sau 1.7, giá rau, củ vẫn giữ nguyên giá. Tiểu thương kinh doanh ở chợ Hà Giang, cô Lê Thị Kim Dung cho biết: Hiện tại, giá rau, củ đang ở mức ổn định, cụ thể rau muống có giá 5.000 đồng/mớ; rau bắp cải 12.000 đồng/kg; dưa chuột 12 - 15.000 đồng/kg; khoai tây 15.000 đồng/kg; cà chua 10.000 đồng/kg; mướp 15.000 đồng/kg,…
Chị Mai Thị Thuý, tổ 5 phường Nguyễn Trãi cho biết: Mỗi ngày, tôi thường ghé chợ để mua đồ và hàng hóa cần thiết cho việc nấu ăn và sinh hoạt gia đình. Tôi nhận thấy rằng trong các kỳ điều chỉnh tăng lương lần này, giá cả các mặt hàng đã ổn định hơn. Những mặt hàng quan trọng như hải sản, rau củ quả... vẫn giữ nguyên. Tôi hy vọng rằng thị trường sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định và không có tình trạng tăng giá đột ngột gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Là người quản lý tài chính trong gia đình, chị Nguyễn Thị Lệ Thảo - giáo viên trường THCS Vĩ Thượng, xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình rất vui khi từ tháng 7, lương của chị đã tăng thêm hơn 4 triệu đồng. Chị cho biết: “Vợ chồng tôi đều là giáo viên, được tăng lương đều rất phấn khởi, khoản tiền này cũng bù đắp được một phần chi phí sinh hoạt và nuôi 2 đứa con trong độ tuổi ăn học. Hơn thế nữa, so với mọi năm lương cơ sở tăng thì giá cả hàng hoá có tăng khá cao nhưng đến năm nay thì mặt hàng tiêu dùng chỉ tăng nhẹ từ 1 – 5 nghìn đồng.”
Không nằm trong đối tượng được tăng lương nên chị Nhữ Hiền Lương, tổ 17, phường Minh Khai, TP. Hà Giang cũng như nhiều người lao động tự do khác vô cùng lo lắng vì các khoản chi phí sinh hoạt của gia đình bị đội lên khi lương tăng. Tuy nhiên, đến thời điểm này chị cũng cảm thấy yên tâm hơn vì giá cả hàng hoá vẫn giữ ở mức ổn định.
Tại hệ thống siêu thị trong tỉnh, hàng hóa phong phú và đa dạng, giá bán phải chăng, thậm chí có nhiều mặt hàng đang khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Anh Hoàng Tuấn, Cửa hàng trưởng Winmart 35 An Cư (TP Hà Giang) cho biết: Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, siêu thị không chỉ chuẩn bị nguồn hàng một cách kỹ lưỡng, mà còn áp dụng các chiến lược về giá cả để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện tại, giá bán các nhóm hàng hóa tại siêu thị vẫn chưa có nhiều biến động, không có nhà cung cấp nào yêu cầu tăng giá do tăng lương.
Thị trường hàng hoá ổn định sau tăng lương không chỉ góp phần đẩy mạnh hoạt động, kích cầu thị trường mà còn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận hàng hoá dịch vụ với chất lượng và giá cả phù hợp mang đến quyền lợi cho người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Mai Ánh
Ý kiến bạn đọc