Đồng Văn phát triển các cây, con thế mạnh
BHG - Đồng Văn là huyện vùng cao, biên giới được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu mát mẻ, phù hợp phát triển các cây, con thế mạnh như: Lê, Mận, Bò vàng, Lợn đen địa phương… Những năm qua, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của nhân dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó, góp phần đưa nông nghiệp trở thành thế mạnh, từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Thực hiện Nghị quyết phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hoá chất lượng cao theo chuỗi giá trị, huyện Đồng Văn đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các xã, thị trấn tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi phù hợp có tiềm năng thế mạnh. Trong đó, đối với cây ăn quả, huyện tập trung phát triển một số cây ăn quả ôn đới như Lê, Mận. Hiện, toàn huyện duy trì chăm sóc 480 ha cây Lê trong đó, có 97 ha trồng tập trung, có 214 ha đã cho thu hoạch; 258 ha cây Mận; 9,6 ha cây Hồng không hạt. Ngoài ra, huyện còn phát triển gần 83 ha cây dược liệu; 40 ha cây Tam giác mạch. Đặc biệt, 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng rau bắp cải được trên 92 ha, ước tính sản lượng 1 vụ đạt trên 3 nghìn tấn, giá trị sản xuất ước đạt 15,2 tỷ đồng, trở thành cây trồng giá trị cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân một số xã như: Sảng Tủng, Tả Lủng…
Người dân xã Sính Lủng chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng Bắp cải cho thu nhập ổn định. |
Bên cạnh việc lựa chọn các cây trồng thế mạnh, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Đồng Văn cũng thúc đẩy phát triển một số vật nuôi đặc trưng như Bò vàng, Lợn đen địa phương, nuôi ong lấy mật... Hiện, tổng đàn Bò vàng của huyện đạt trên 25 nghìn con, trong 6 tháng đầu năm đã xuất bán gần 3 nghìn con, sản lượng thịt hơi ước đạt 702,5 tấn, giá trị sản xuất đạt 56,2 tỷ đồng. Đàn Lợn đen địa phương hiện có 28 nghìn con, giá trị sản xuất ước đạt 80,5 tỷ đồng. Huyện cũng chỉ đạo rà soát, duy trì đảm bảo diện tích trên 1.100 ha cây hoa Bạc hà để duy trì 15.800 đàn ong mật tại 19 xã, thị trấn.
Đặc biệt, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương, huyện đã triển khai thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, đã liên kết tiêu thụ được một số sản phẩm cây dược liệu như: 30.000 cây sâm Ngọc linh, 15 Chanh leo. Đồng thời duy trì chuỗi giá trị chăn nuôi ong mật. Năm 2023, tổng sản lượng mật sản xuất dưới hình thức liên kết đạt 9.000 lít/1.905 đàn/80 hộ, giá trị sản xuất ước đạt 3,6 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ có thu nhập từ 90 - 150 triệu đồng. Năm 2024, huyện đã phát triển mới 2 chuỗi liên kết giá trị gồm: Chuỗi liên kết giá trị Lê và chuỗi liên kết giá trị Bò vàng.
Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đồng Văn, Nguyễn Thanh Viễn cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; đặc biệt, nhờ xác định được các cây, con phù hợp, huyện Đồng Văn đã gặt hái được nhiều thành công trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, bên cạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích nguời dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Phòng Nông nghiệp đã cử cán bộ hướng dẫn người dân áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP vào sản xuất. Nhờ đó, hiện nay những nương ngô kém hiệu quả đã được thay bằng những diện tích rau chuyên canh xanh tốt, giúp người dân có thu nhập cao, ổn định hơn.
Cán bộ và nhân dân huyện ra quân trồng cây ăn quả thế mạnh là Lê, Mận. |
Đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Đồng Văn là huyện khó khăn của tỉnh, xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp… là những điều kiện khó khăn để phát triển kinh tế nông nghiệp. Hiện nay, hầu hết diện tích các loại cây trồng thế mạnh trên địa bàn huyện còn nhỏ, lẻ; quy mô các đàn vật nuôi còn nhỏ, chưa có các gia trại, trang trại lớn. Người dân chưa chú trọng áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất do tập quán sản xuất còn lạc hậu… Vì vậy, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã, thị trấn chú trọng rà soát, xác định các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện sản xuất của người dân để nhân rộng diện tích, mở rộng quy mô chăn nuôi. Bên cạnh đó, tích cực thực hiện công tác tập huấn, chuyển giao, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn để thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Có thể thấy rõ, dưới sự lãnh, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của nhân dân, từ một huyện nghèo nhất cả nước, Đồng Văn hôm nay đã chuyển mình mạnh mẽ, diện mạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện ngày một khang trang; kinh tế của huyện phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, giúp xây dựng huyện Đồng Văn ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc