Đổi thay ở xã Nậm Khòa

20:39, 09/07/2024

BHG - Nằm cách trung tâm huyện 38 km về phía Tây Nam, xã Nậm Khòa (Hoàng Su Phì) là địa bàn sinh sống của 602 hộ, 2.933 khẩu; gồm các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, trong đó dân tộc Dao chiếm đa số. Ngoài tiềm năng về đất đai màu mỡ, xã Nậm Khòa còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều lợi thế về thời tiết khí hậu, nguồn nước dồi dào nên rất thuận lợi cho cây trồng phát triển. Bên cạnh đó Nậm Khòa còn được nhiều người biết đến với những đồi chè cổ thụ bạt ngàn, những thửa ruộng bậc thang trùng điệp đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích Quốc gia.

Thuận lợi là thế, nhưng những năm trước đây, đời sống KT - XH của đồng bào nơi đây rất khó khăn, do trình độ dân trí không đồng đều, canh tác lạc hậu, nên năng suất cây trồng vật nuôi thấp. Thêm vào đó, do đường sá giao thông chưa phát triển, khó khăn cho việc lưu thông trao đổi hàng hóa, ở những thôn xa như Sơn Thành Thượng, Nùng Cũ người dân mỗi khi xuống chợ Nậm Dịch hoặc chợ Thông Nguyên để bán nông sản như chè, thóc gạo, Thảo quả và mua các mặt hàng thiết yếu như dầu, muối, vải, thực phẩm, phân bón phải đi bộ hoặc đi từ chiều hôm trước.

Người dân xã Nậm Khòa tích cực góp sức làm đường giao thông nông thôn.
Người dân xã Nậm Khòa tích cực góp sức làm đường giao thông nông thôn.

Năm 2006, tuyến đường ô tô liên xã từ xã Nam Sơn đến trung tâm xã Nậm Khòa được khởi công và thông tuyến, đến năm 2016 được nâng cấp trải bê tông. Tiếp đó, đến năm 2022 tuyến đường ô tô từ xã Thông Nguyên đến trung tâm xã Nậm Khòa được mở mới và đổ bê tông đã rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại giữa xã Nậm Khòa với các xã lân cận. Hàng hóa được lưu thông làm tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp và cung ứng kịp thời các mặt hàng tiêu dùng, vật tư nông nghiệp đã tạo bước nhảy vọt trong xây dựng phát triển KT - XH của nhân dân trong xã. Nếu như trước năm 2016 toàn xã chỉ có 3 công trình nhà xây 2 tầng là trụ sở xã, trường học và trạm xá với vài công trình nhà xây cấp IV là trụ sở thôn, điểm trường, thì đến nay toàn bộ các công trình trạm y tế xã, trường mầm non, tiểu học và THCS đã được xây 2 tầng. Khu trung tâm hành chính xã được quy hoạch, gồm các công trình trụ sở xã, điện, đường, trường học, trạm xá, chợ nông thôn và khu dân cư tập trung được đầu tư xây dựng khang trang, tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới của xã Nậm Khòa.

Sự đổi thay rõ nét nhất của Nậm Khòa hiện nay được thể hiện trên lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã đã biết phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu và nguồn nhân lực, không ngừng cải tạo hệ thống mương máng thủy lợi, thực hiện tốt công tác luân canh, thâm canh và gắn sản xuất với chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm nông - lâm nghiệp. Năm 2023 toàn xã gieo cấy được 300 ha lúa mùa, năng suất bình quân đạt 58 tạ/ha, sản lượng đạt 1.740 tấn; gieo trồng được 228 ha ngô, năng suất đạt 36 tạ/ha, sản lượng đạt 612 tấn. Mặc dù không phải loại cây thế mạnh của xã, song cây đậu tương đã được gieo trồng trên diện rộng với 190 ha vụ Xuân, năng suất bình quân đạt 16 tạ/ha, sản lượng đạt 160 tấn. Đặc biệt, cây chè là một trong những loại cây thế mạnh của xã Nậm Khòa với diện tích 420 ha, trong đó có 400 ha cho thu hoạch, năm 2023 sản lượng chè búp tươi đạt 1.560 tấn, giá trị thu được trên 20 tỷ đồng.

Lĩnh vực chăn nuôi có bước phát triển khá, để duy trì tổng đàn gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa gồm 1.715 con trâu, 686 con dê, 3.029 con lợn và hơn 23.000 con gia cầm, xã Nậm Khòa đã vận động các hộ gia đình mở rộng diện tích trồng cỏ chăn nuôi lên 110 ha; gắn với đó là việc coi trọng chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh do đàn gia súc, gia cầm. Năm 2023, tổng sản lượng thực phẩm của xã xuất bán ra thị trường đạt trên 70 tấn, đem lại thu nhập trên 5 tỷ đồng cho các hộ gia đình. Kết quả đó đã làm chuyển biến một bước về đời sống kinh tế của nhân dân. Rà soát cho thấy, năm 2023 xã có 15 hộ thoát nghèo, 14 hộ cận nghèo lên mức hộ trung bình.

Để phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh về cảnh quan môi trường, nhất là từ năm 2016 các thửa ruộng bậc thang của xã được Bộ VHTT&DL xếp hạng danh thắng Quốc gia, Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung ưu tiên các nguồn lực và huy động nhân dân tham gia phát triển du lịch. Đến nay toàn xã đã mở được 3 homestay trên các tuyến du lịch đi bộ được các doanh nghiệp du lịch nhận xét là một trong những tuyến checking đẹp nhất và khu vực danh thắng ruộng bậc thang đẹp nhất của huyện Hoàng Su Phì; xây dựng được 1 điểm du lịch tại vùng lõi di sản thôn Khòa Hạ và thành lập được 1 đội văn nghệ dân gian với nhiều tiết mục đặc sắc để cung cấp dịch vụ trải nghiệm cho khách du lịch. Năm 2023, xã đón hơn 2.000 lượt khách đến sử dụng các dịch vụ, con số đó mặc dù còn khiêm tốn, nhưng là tín hiệu tốt báo hiệu sự khởi sắc cho lĩnh vực du lịch của xã Nậm Khòa.

Đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khòa cho biết: Thời gian tới, Đảng bộ xã tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của chính quyền và công tác vận động quần chúng của các ngành, đoàn thể, đẩy mạnh phát triển kinh tế, gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ theo chuỗi giá trị, phát triển mạnh các dịch vụ để tạo việc làm cho nhân dân. Chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình mục tiêu Quốc gia để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bài, ảnh: Trần Chí Nhân (Hoàng Su Phì)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giải pháp thu thuế những tháng cuối năm
BHG - Công tác quản lý thu thuế, phí 6 tháng đầu năm nay ngoài những thuận lợi còn có những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu theo dự kiến tại địa bàn, như: Tiếp tục triển khai nhanh các gói chính sách tài khóa, tiền tệ trong Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH theo các Nghị quyết của Quốc hội (giảm 2% thuế giá trị gia tăng; giảm thuế bảo vệ môi trường; giảm 30% tiền thuê đất…); tình hình biến động về giá xăng dầu, chi phí sản xuất tăng cao, giá thành sản phẩm tăng không ký được hợp đồng đầu ra mới; doanh nghiệp khoáng sản có số nộp lớn điều chỉnh phương án khai thác giảm sản lượng khai thác; doanh nghiệp hoạt động thủy điện kê khai thuế giảm từ trên 50% so cùng kỳ; các phương án bán đấu giá đất theo kế hoạch năm 2024 chậm thực hiện do nhu cầu thị trường đầu tư thấp.
29/06/2024
Siết chặt quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật
BHG - Các mặt hàng vật tư nông nghiệp đa dạng, kinh doanh rộng khắp tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân lựa chọn sản xuất nhưng cũng gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Do đó, các ngành, địa phương đang tăng cường các giải pháp nhằm siết chặt quản lý chất lượng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn.
09/07/2024
Niềm vui xã về đích Nông thôn mới
BHG - Đồng Tâm là một trong ba xã của huyện Bắc Quang được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) năm 2023; đây là kết quả đáng tự hào sau hơn 10 năm đồng lòng, chung sức nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Về đích NTM đem lại cho người dân niềm phấn khởi, nguồn động lực để không ngừng cố gắng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
08/07/2024
Bứt phá giảm nghèo bền vững
BHG - Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh đã kết tinh nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Qua đó, không chỉ tác động tích cực đến sự phát triển bền vững KT-XH của tỉnh mà còn khẳng định vai trò “trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta.
08/07/2024