Chạy đua cùng thời vụ gieo cấy lúa Hè – Thu

13:49, 12/07/2024

BHG - Vụ Hè - Thu là vụ sản xuất có diện tích cấy lúa lớn, đa dạng cây trồng. Song đây cũng là vụ có diễn biến phức tạp về mưa, bão, tố lốc bất thường, nguy cơ tiềm ẩn lớn về dịch hại cây trồng. Do vậy, để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất, ngành Nông nghiệp đã yêu cầu các địa phương triển khai lịch gieo cấy đúng khung thời vụ, lựa chọn cơ cấu giống hợp lý, hiệu quả, tập trung chăm sóc, nâng cao năng suất, sản lượng lúa.

Những ngày này, trên các cánh đồng của xã Bằng Lang (Quang Bình) không khí sản xuất vụ Hè -Thu rộn rã từ sáng sớm. Tranh thủ khi thời tiết mát mẻ, dù còn những cơn mưa rải rác, người dân đã bám sát đồng ruộng, huy động nhân lực, máy cày làm đất, điều tiết nguồn nước để cấy lúa. Chị Hoàng Thị Tùy, thôn Thượng cho biết: “Năm nay do mưa nắng thất thường nên bà con nông dân phải chạy đua với thời vụ sản xuất. Đến thời điểm này, gia đình tôi đã cấy xong trà lúa sớm. Theo định hướng của địa phương, các hộ chủ yếu ưu tiên các giống lúa chủ lực, có khả năng chống chịu với sâu bệnh như: Nhị ưu 838, HKT 99, Việt lai 20, Thiên ưu 8. Cũng như các năm trước, bà con kỳ vọng sẽ có thêm mùa vụ tươi tốt, bội thu”.

Bà con nông dân thôn Thượng, xã Bằng Lang (Quang Bình) cấy lúa vụ Hè -Thu.
Bà con nông dân thôn Thượng, xã Bằng Lang (Quang Bình) cấy lúa vụ Hè -Thu.

Theo kế hoạch, huyện Quang Bình cấy trên 3.700 ha lúa vụ Hè -Thu. Với tư duy đổi mới, người dân đã chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, duy trì tổ sản xuất mạ khay cung ứng cho các vùng có quy mô sản xuất lớn tại các xã Vĩ Thượng, Xuân Giang, Bằng Lang, Tiên Yên. Ngoài ra, xã Vĩ Thượng tiếp tục thực hiện Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo nếp Làu Mu với diện tích đạt 7 ha. Ở những xã vùng thấp cơ bản đã cấy xong, còn lại một số xã vùng cao Tiên Nguyên, Xuân Minh, Tân Nam, bà con cũng đang đẩy nhanh tiến độ làm đất, cấy những diện tích còn lại. Mục tiêu của huyện là đảm bảo đúng cơ cấu giống, về đích đúng khung thời vụ, kịp thời chuyển đổi những chân ruộng không chủ động được nguồn nước tưới sang trồng màu, không để lãng phí đất.

Là một trong những địa phương có diện tích cấy lúa lớn nhất của tỉnh, huyện Vị Xuyên có diện tích lúa vụ Mùa trên 4.700 ha. Theo phương châm gặt đến đâu, tiến hành làm đất, cấy đến đó, các xã, thị trấn đã đôn đốc bà con khẩn trương giải phóng mặt ruộng, xử lý rơm rạ, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Nguồn cung cấp giống, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp đảm bảo uy tín, chất lượng. Theo dự kiến, huyện phấn đấu cấy xong toàn bộ diện tích trước ngày 20.7, tiến độ xuống giống đạt trên 70%. Huyện đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại trên một số diện tích lúa mới cấy do ảnh hưởng của các đợt thiên tai, mưa lũ vừa qua.

Thôn Khuổi My, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang)vào mùa cấy lúa.
Thôn Khuổi My, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang)vào mùa cấy lúa.

Xã Việt Lâm là vùng sản xuất lúa trọng điểm của huyện Vị Xuyên, diện tích cấy lúa vụ Hè - Thu trên 400 ha. Trong đợt mưa lũ vào đầu tháng 7, toàn xã có khoảng 20 ha lúa đã cấy tại thôn Dưới, thôn Lùng Sinh và thôn Việt Thành bị ngập úng, đất, cát vùi lấp. Sau khi nước rút, những diện tích lúa phục hồi được, bà con phải tỉa, dặm thêm để đảm bảo về mật độ, không ảnh hưởng đến năng suất sau này. Đối với 3 ha ruộng bị đất, cát vùi lấp, mất trắng hoàn toàn, chưa thể cấy lại trong vụ này. Trước tình hình thời tiết vẫn còn mưa liên tục, công tác kiểm tra, khắc phục, sửa chữa kênh, mương nội đồng, chống ngập úng được xã đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Vụ Hè -Thu năm 2024, toàn tỉnh có diện tích cấy lúa đạt 28.000 ha. Đây là vụ sản xuất chính trong năm, có ý nghĩa quan trọng đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Với sự vào cuộc của toàn ngành Nông nghiệp, sự chỉ đạo quyết liệt của các huyện, thành phố và tinh thần lao động hăng say của bà con nông dân, tin chắc mùa vụ năm nay sẽ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, góp phần đạt mục tiêu sản lượng lúa là 163.050 tấn.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nỗ lực thoát nghèo nơi vùng biên Bát Đại Sơn
BHG - Từ gia đình thuộc diện hộ nghèo, với nghị lực vượt khó cùng đức tính cần cù, chăm chỉ, siêng năng trong lao động, gia đình anh Cứ Mí Lềnh, dân tộc Mông ở thôn Mố Lùng, xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ) đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
11/07/2024
Bắc Quang thúc đẩy phát triển kinh tế vùng bờ Đông sông Lô
BHG - Bắc Quang xác định, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế bờ phía Đông sông Lô thuộc Tiểu khu Trọng Con là nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn (2020 – 2025). Bờ Đông sông Lô có 8 xã, thị trấn, là vùng đất đai màu mỡ, rộng lớn, nhiều sông suối, ao hồ; nhân dân luôn mang trong mình truyền thống cách mạng tự chủ, kiên cường, dám nghĩ, dám làm.
10/07/2024
Đổi thay ở xã Nậm Khòa
BHG - Nằm cách trung tâm huyện 38 km về phía Tây Nam, xã Nậm Khòa (Hoàng Su Phì) là địa bàn sinh sống của 602 hộ, 2.933 khẩu; gồm các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, trong đó dân tộc Dao chiếm đa số. Ngoài tiềm năng về đất đai màu mỡ, xã Nậm Khòa còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều lợi thế về thời tiết khí hậu, nguồn nước dồi dào nên rất thuận lợi cho cây trồng phát triển. Bên cạnh đó Nậm Khòa còn được nhiều người biết đến với những đồi chè cổ thụ bạt ngàn, những thửa ruộng bậc thang trùng điệp đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích Quốc gia.
09/07/2024
Siết chặt quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật
BHG - Các mặt hàng vật tư nông nghiệp đa dạng, kinh doanh rộng khắp tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân lựa chọn sản xuất nhưng cũng gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Do đó, các ngành, địa phương đang tăng cường các giải pháp nhằm siết chặt quản lý chất lượng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn.
09/07/2024