Cần bảo vệ vùng chè di sản trên dãy Tây Côn Lĩnh

15:42, 13/07/2024

BHG - Những quần thể chè Shan tuyết cổ thụ trên dãy núi Tây Côn Lĩnh là nguồn thu nhập hằng năm, cũng là niềm tự hào của bà con các dân tộc đang trồng và sản xuất chè cổ thụ. Những cây chè tuổi đời hàng trăm năm, thân gốc xù xì, tán vươn lên đón nắng gió luôn tạo sức hút đối với du khách đến chiêm ngưỡng, thu mua. Nhưng nhiều năm trở lại đây, số lượng cây chè Shan tuyết cổ thụ bị sâu mọt đục thân, chết dần không phải là hiếm, nhất là ở các vùng chè được công nhận Cây Di sản Việt Nam như xã Cao Bồ (Vị Xuyên), xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì).

Vừa qua, cây chè cổ thụ ở thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) sau khi được công nhận là cây Di sản Việt Nam đã chết khô một phần. Cây chè cổ thụ này có đường kính lớn hơn một vòng tay người ôm, thân lá tươi tốt giữa quần thể chè Shan tuyết của gia đình ông Hoàng Sùn Hiang chỉ sau một năm đã rụng lá khô héo và chết dần, chết mòn rất nhanh. Được biết đây là cây chè cổ thụ có dáng đẹp, tuổi đời từ 500-600 năm có thể coi như một “báu vật” của vùng chè di sản Hoàng Su Phì nói riêng và của tỉnh nói chung. Với tuổi đời như vậy, cây chè Shan tuyết cổ thụ này đã gắn bó với nhiều thế hệ gia đình ông Hiang. Ông Hiang chia sẻ: “Từ khi sinh ra tôi đã thấy cây chè lớn như vậy, hằng năm đến vụ chè tôi cùng vợ con lại thu hái búp chè về chế biến thành chè khô bán cho khách trong huyện và miền xuôi. Những búp chè từ vườn chè cổ thụ đã gắn chặt với đời sống của gia đình tôi và các hộ dân trong thôn. Chè Shan tuyết mang đến một nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây”.

Cây chè cổ thụ ở xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) được gắn biển Cây Di sản Việt Nam chỉ còn lại phần gốc.
Cây chè cổ thụ ở xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) được gắn biển Cây Di sản Việt Nam chỉ còn lại phần gốc.

Vùng nguyên liệu chè của huyện Hoàng Su Phì được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam vào ngày 30.8.2019. Từ khi được công nhận Cây Di sản Việt Nam vùng chè nhận được nhiều sự quan tâm từ các thương lái cũng như công ty sản xuất, chế biến chè. Cây chè ở thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty được nhiều người tìm đến tham quan chiêm ngưỡng, dưới tác động vật lý liên tục của người tham quan, cây chè cổ được chọn gắn biển đã chết dần, chết mòn, tạo ra sự tiếc nuối rất lớn cho giới yêu chè và gia đình ông Hiang.

Đầu Xuân năm nay, chúng tôi cùng một đoàn chuyên gia Trung Quốc thăm lại vùng chè cổ thụ thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ (Vị Xuyên). Nơi đây có cây chè Shan tuyết cổ thụ có đường kính thân cây bằng 2 vòng tay người lớn ôm, thân cây chè này chia làm 2 nhánh chính vươn lên trời cao từ  6 - 7 m. Nhớ năm 2018, tôi cùng người dân thôn Lùng Tao lên thăm cây chè này lần đầu, lúc đó cây chè khổng lồ này vẫn còn tươi tốt, cành lá xum xuê, thân rắn chắc không xuất hiện dấu hiệu sâu mọt và mục ruỗng. Nhưng thật xót xa khi chuyến đi đầu năm này đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một thân chè tiều tụy, cành lá thưa thớt thiếu sinh khí, một nhánh chính trong 2 nhánh của thân cây đã bị khô. Dưới thân gốc cây có những cây nấm mọc lên to bằng nắm tay, hình ảnh đó khiến những người đam mê chè cổ Hà Giang không khỏi ngậm ngùi đau xót cho một “báu vật” chẳng ở đâu có đang dần mòn chết đi như vậy.

Theo chuyên gia người Trung Quốc đã nhiều năm nghiên cứu chè ở Vân Nam khẳng định, đây là cây chè Shan tuyết lớn nhất họ từng thấy. Và trước tình cảnh cây chè cổ thụ đã và đang khô héo họ cũng đưa ra lời khuyên rằng cần loại bỏ những phần cành đã chết để cây không lây bệnh cho phần thân còn sống. Chủ cây chè cần có biện pháp chăm sóc đặc biệt, hạn chế sự tiếp xúc gần, tham quan, leo trèo của du khách.

Cây chè cổ thụ thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) đang trong tình trạng khô cành, mọc nấm thân gốc.
Cây chè cổ thụ thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) đang trong tình trạng khô cành, mọc nấm thân gốc.

Xã Cao Bồ vốn được coi như vùng lõi của chè Shan tuyết Hà Giang. Những vườn chè cổ thụ cây vươn tán, cành lá xum xuê cho búp đều đặn 3 vụ trong năm là nguồn thu lớn cho người nông dân miền núi. Dân số ở xã miền núi này chủ yếu là người dân tộc Dao áo chàm, họ truyền đời cho nhau những vườn chè cổ thụ tạo ra một nguồn sinh kế bền vững  trên miền rừng. Năm 2015 hơn 220 cây chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Cao Bồ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản.

Năm 2011, vùng chè Shan tuyết Cao Bồ chính thức được Liên đoàn các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ Quốc tế (IFOAM) cấp chứng nhận Organic. Thương lái và các chuyên gia cũng đến với vùng chè hữu cơ này nhiều hơn so với các vùng chè khác. Sự nhộn nhịp mua, bán tạo ra giá trị cho vùng chè Cao Bồ, đem lại thu nhập ổn định cho bà con người dân tộc Dao, Tày nơi đây. Tuy nhiên cùng với sự khai thác ồ ạt, chăm sóc cây chè không khoa học cũng khiến vùng nguyên liệu này đứng trước nguy cơ giảm về chất lượng trong tương lai gần. Sự nhộn nhịp của du khách từ nhiều nơi đến tiếp xúc trực tiếp, leo trèo lên cây chụp ảnh đã tạo nên những tác động không nhỏ gây hại cho cây chè. Anh Lý Văn Chiến, chủ nhân một vườn chè cho biết: “Vườn chè này và đặc biệt là cây chè cổ thụ được rất nhiều thương lái trong và ngoài nước quan tâm, thậm chí có người gạ mua và thuê vườn chè của gia đình tôi. Hiện tại vườn chè vẫn đang đón nhiều đoàn khách tham quan, chụp ảnh cây chè cổ nhất là vào dịp đầu năm thời điểm chè vụ Xuân bắt đầu thu hái. Cũng có nhiều người có chuyên môn cả trong và ngoài nước đến thăm gợi ý các phương pháp hỗ trợ gia đình tôi chữa trị cho cây chè cổ thụ trước nguy cơ bị khô héo chết đứng. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy một hành động nào mang tính chuyên môn giúp cứu chữa cây chè cổ thụ cả”.

Việc công nhận Cây Di sản Việt Nam với cây chè Shan tuyết cổ đã góp phần nâng cao giá trị của vùng chè Hà Giang. Bên cạnh đó, thiết nghĩ rất cần có các hướng dẫn phương pháp chăm sóc, bảo vệ tốt vùng cây di sản để tránh cho những vùng chè bị chết dần một cách đáng tiếc như hiện nay.

Bài, ảnh: Trà Nhân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chi cục Thuế khu vực Bắc Quang – Quang Bình thực hiện tốt chính sách thuế
BHG - Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm 2024, Chi cục Thuế khu vực Bắc Quang – Quang Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa các chính sách thuế vào cuộc sống, hỗ trợ người nộp thuế khắc phục khó khăn, duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh.
12/07/2024
Phát huy các nguồn lực của nền kinh tế
BHG - Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15.1.2019 của Bộ Chính trị khóa XII về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Trong 5 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng do đại dịch Covid – 19 và cuộc xung đột Nga – Ukraina gây ra, nhưng tỉnh ta đã quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả các nguồn lực, góp phần thúc đẩy KT – XH phát triển nhanh và bền vững.
12/07/2024
Chạy đua cùng thời vụ gieo cấy lúa Hè – Thu
BHG - Vụ Hè - Thu là vụ sản xuất có diện tích cấy lúa lớn, đa dạng cây trồng. Song đây cũng là vụ có diễn biến phức tạp về mưa, bão, tố lốc bất thường, nguy cơ tiềm ẩn lớn về dịch hại cây trồng. Do vậy, để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất, ngành Nông nghiệp đã yêu cầu các địa phương triển khai lịch gieo cấy đúng khung thời vụ, lựa chọn cơ cấu giống hợp lý, hiệu quả, tập trung chăm sóc, nâng cao năng suất, sản lượng lúa.
12/07/2024
Nỗ lực thoát nghèo nơi vùng biên Bát Đại Sơn
BHG - Từ gia đình thuộc diện hộ nghèo, với nghị lực vượt khó cùng đức tính cần cù, chăm chỉ, siêng năng trong lao động, gia đình anh Cứ Mí Lềnh, dân tộc Mông ở thôn Mố Lùng, xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ) đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
11/07/2024