Bứt phá giảm nghèo bền vững
BHG - Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh đã kết tinh nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Qua đó, không chỉ tác động tích cực đến sự phát triển bền vững KT-XH của tỉnh mà còn khẳng định vai trò “trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta.
Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách
Ngày 22.11.2014, Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Chỉ thị 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Đây là chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của chế độ và nhà nước ta trong công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng CSXH, tỉnh ta đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đưa hoạt động tín dụng CSXH trở thành nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong triển khai kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm và từng giai đoạn.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh Pảo Việt Hùng, xã Việt Vinh (Bắc Quang) trồng cây Giang cho giá trị kinh tế cao. |
Cùng với nguồn vốn cân đối từ T.Ư; cấp ủy, chính quyền tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính ủy thác qua Ngân hàng CSXH để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 40 đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đạt 271 tỷ đồng, tăng 253,4 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40. Đồng thời, ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách...
Hiện nay, toàn tỉnh có 313 thành viên tham gia hoạt động Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp. Ngân hàng CSXH tổ chức giao dịch tại 193/193 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã. Đặc biệt, 4 tổ chức chính trị – xã hội (Hội Nông dân, Cựu Chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ và Đoàn Thanh niên) nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH đã trở thành “cánh tay” nối dài đưa tín dụng CSXH đến gần hơn với đối tượng thụ hưởng thông qua các hoạt động: Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi để mọi tầng lớp nhân dân nắm bắt, tiếp cận; chỉ đạo bình xét công khai, dân chủ, kịp thời, đúng đối tượng theo từng chương trình tín dụng; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của hội đoàn thể cấp xã trong tham gia sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), giám sát bình xét cho vay, giám sát phiên giao dịch xã, kiểm tra sử dụng vốn vay, đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng CSXH. Hiện nay, dư nợ tại các tổ chức nhận ủy thác đạt 5.146,2 tỷ đồng/2.603 tổ TK&VV/94.172 khách hàng, chiếm tỷ lệ 99,9%/tổng dư nợ. Tỷ lệ tổ TK&VV xếp loại tốt, khá chiếm 98,2%. Toàn tỉnh có 121/193 đơn vị cấp xã, 2.487/2.603 tổ TK&VV không có nợ quá hạn. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,15%/tổng dư nợ tín dụng.
Từ năm 2014 đến nay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện kiểm tra toàn diện 87 lượt huyện, 1.151 lượt xã, 2.786 lượt hội, 5.084 lượt tổ và 58.028 lượt hộ vay. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa kịp thời các sai sót xảy ra trong hoạt động nghiệp vụ, góp phần tích cực trong việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, quản lý vốn an toàn, đúng pháp luật.
Lan tỏa giá trị nhân văn
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 chương trình tín dụng CSXH đang triển khai thực hiện. Doanh số cho vay từ khi có Chỉ thị 40 đến nay đạt gần 10.100 tỷ đồng với 255.112 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 67% doanh số cho vay. Nguồn vốn tín dụng CSXH được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố. Tính đến đầu tháng 5.2024, tổng nguồn vốn đạt gần 5.160 tỷ đồng, tăng hơn 3.300 tỷ đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11%. Có 94.234 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân dư nợ đạt 54,6 triệu đồng/hộ, tăng 35,6 triệu đồng so với năm 2014.
Thông qua nguồn vốn tín dụng CSXH đã hỗ trợ hơn 69.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 29.240 lao động; xây dựng được 1.268 căn nhà ở cho hộ nghèo và 57.163 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đảm bảo theo tiêu chuẩn; 49.973 gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng CSXH đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Giai đoạn 2016 – 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 25,11% (từ 43,65% xuống còn 18,54%); giai đoạn 2022 – 2023 tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm 10,96% (từ 42,08% xuống còn 31,12%).
Thực tế cho thấy, việc thực hiện Chỉ thị 40 đã kết tinh nhiều thành quả trân quý, lan tỏa giá trị nhân văn từ chủ trương mang “Ý Đảng – lòng dân” để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ để tín dụng CSXH thực sự trở thành “điểm tựa” của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, nguồn lực để thực hiện một số chương trình tín dụng CSXH còn hạn chế so với nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách. Đơn cử như chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, mở rộng việc làm, cho vay nhà ở xã hội. Riêng chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có mức vay tối đa 10 triệu đồng/1 công trình trong khi chi phí vật liệu, nhân công cao không đủ chi phí cần thiết để hộ dân xây dựng công trình đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo được áp dụng cho các hộ ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo trong vòng 3 năm, chưa đủ thời gian để các hộ thoát nghèo bền vững…
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc