Bắc Quang thúc đẩy phát triển kinh tế vùng bờ Đông sông Lô

10:55, 10/07/2024

BHG - Bắc Quang xác định, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế bờ phía Đông sông Lô thuộc Tiểu khu Trọng Con là nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn (2020 – 2025). Bờ Đông sông Lô có 8 xã, thị trấn, là vùng đất đai màu mỡ, rộng lớn, nhiều sông suối, ao hồ; nhân dân luôn mang trong mình truyền thống cách mạng tự chủ, kiên cường, dám nghĩ, dám làm.

Trung tâm xã Liên Hiệp đang trên đà phát triển.
Trung tâm xã Liên Hiệp đang trên đà phát triển.

Tôi về Bắc Quang giữa mùa Hạ. Nhẹ chân ga theo Quốc lộ 279, vào xã Kim Ngọc, lúa Xuân Hè trĩu hạt vàng rực rỡ trên những cánh đồng. Lúa Xuân được mùa, người dân Bắc Quang bây giờ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Máy đi tới đâu, lúa gặt tới đó, hạt thóc vào bao. Một chiếc máy gặt đập liên hợp mỗi ngày thu hoạch vài mẫu ruộng nhẹ tênh. Bí thư Đảng ủy xã Kim Ngọc, Nguyễn Doãn Thiện khoe: Cơ giới hoá đã mang đến cho nhà nông vùng Trọng Con nhiều cơ hội. Trồng lúa, trồng rừng, trồng dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm vừa qua, Kim Ngọc đã vươn mình trở thành đô thị loại V. Đang vui, tôi lái xe đi Hữu Sản, Bằng Hành, Liên Hiệp... Mùa Hạ ở nơi đây thật tuyệt vời, đồng lúa chín vàng, thơm mát; kia rừng xanh, những vườn cây trái xum xuê dịu ngọt và cá lội vẫy vùng trong ao hồ. Cả một vùng rộng lớn bắt đầu từ đầu cầu Sảo vào đến Thượng Bình, Hữu Sản, Liên Hiệp, Bằng Hành đẹp mê hồn với một vùng xanh cây trái. Toàn bộ diện tích đất trống một thời, nay đã phủ lên trên đó một màu xanh của rừng kinh tế. Tính đến hết tháng 6.2024, toàn huyện đã trồng được 1.644 ha rừng. Rừng trồng tập trung chủ yếu ở mạn phía bờ Đông sông Lô của 6 xã, thị trấn. Kinh tế rừng đang là hướng đi thu nhiều lợi ích cho cả vùng Tiểu khu cách mạng Trọng Con. Bám dọc Quốc lộ 279, hướng đi Tuyên Quang có rất nhiều xưởng, Công ty tư nhân thu mua, chế biến gỗ bóc, gỗ làm đồ mộc dân dụng. Không khí lao động tại đây hết sức sôi động. Các xưởng chế biến gỗ đã cơ bản giải quyết được công ăn, việc làm cho nhà nông trong vùng từ kinh tế rừng; thất nghiệp hay thiếu việc làm tại chỗ ở địa phương đã không còn. Nhà nông trồng, chăm sóc rừng, trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi. Điểm qua cho thấy 8 xã, thị trấn thuộc Tiểu khu cách mạng Trọng Con có tới 99 trang trại, gia trại tổng hợp và trên 534 ha diện tích ao, đập thả nuôi thủy sản, chiếm trên 2/3 diện tích nuôi thủy sản toàn huyện Bắc Quang. Lợi thế vườn, rừng, ao, chuồng đang có những bước phát triển cả bề rộng, lẫn chiều sâu mang lại lợi ích kinh tế cao.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Quang, Lương Tiến Dũng cho biết: Khắp Tiểu khu Trọng Con đang thực sự bừng sáng nhờ thúc đẩy phát triển kinh tế tổng hợp vườn, rừng, ao, chuồng và xây dựng Nông thôn mới (NTM). Tính hết tháng 5.2024, Tiểu khu Trọng Con đã có Kim Ngọc trở thành Đô thị loại V, Bằng Hành, Liên Hiệp, Vô Điếm hoàn thành Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Chỉ còn 2 xã khó khăn nhất là Thượng Bình, Đức Xuân năm nay cũng đang dồn lực xây dựng NTM đưa quê nhà đổi thay mỗi ngày.

Để hiểu sâu, tôi đã vào các khu dân cư quanh vùng mục sở thị. Cây ăn quả các loại được trồng nhân rộng khắp vùng. Cam Vinh, cam Chanh, cam Sành, bưởi đặc sản Da xanh, bưởi Phúc Trạch, bưởi Diễn... tốt bời, trĩu quả trên cành non. Ông Trần Văn Sung, thôn Minh Tường, xã Kim Ngọc cho biết: Thôn ông có 81 hộ, thì có trên 33 hộ trồng 38 ha cây ăn quả. Nhiều hộ thu về tiền tỷ/năm nhờ cây ăn quả kết hợp trồng rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá. Còn anh Nguyễn Văn Bẩy, thôn Mâng vui vẻ khoe: Nhà tôi đầu tư trồng 185 ha rừng gỗ lớn, kèm theo các vạt rừng là 600 cây cam, thả nuôi ngàn mét vuông ốc nhồi thương phẩm. Hết năm 2024, các xã phía Đông sông Lô sẽ hoàn tất 100% về đích NTM và trở thành vùng kinh tế nông, lâm nghiệp hàng hoá trọng điểm, chất lượng cao.

Trở lại về trung tâm huyện lỵ tôi thấy lòng mình nhẹ lâng, thời gian không xa nữa bên bờ Đông sông Lô của huyện Bắc Quang sẽ vươn lên thành một vùng kinh tế trọng điểm, đủ sức nâng đỡ cho cả Tiểu khu cách mạng Trọng Con phát triển bền vững. Phát triển kinh tế vùng bờ Đông sông Lô còn là việc làm trả nghĩa cho đồng bào các dân tộc nơi này đã đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng Cách mạng Tháng 8 từ trong trứng nước. Hôm nay, Bắc Quang đang tập trung vun gốc, để cho bền chắc cội, cành. Bờ Đông sông Lô đang thực sự bừng lên khí sắc một ngày mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Siết chặt quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật
BHG - Các mặt hàng vật tư nông nghiệp đa dạng, kinh doanh rộng khắp tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân lựa chọn sản xuất nhưng cũng gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Do đó, các ngành, địa phương đang tăng cường các giải pháp nhằm siết chặt quản lý chất lượng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn.
09/07/2024
Đổi thay ở xã Nậm Khòa
BHG - Nằm cách trung tâm huyện 38 km về phía Tây Nam, xã Nậm Khòa (Hoàng Su Phì) là địa bàn sinh sống của 602 hộ, 2.933 khẩu; gồm các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, trong đó dân tộc Dao chiếm đa số. Ngoài tiềm năng về đất đai màu mỡ, xã Nậm Khòa còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều lợi thế về thời tiết khí hậu, nguồn nước dồi dào nên rất thuận lợi cho cây trồng phát triển. Bên cạnh đó Nậm Khòa còn được nhiều người biết đến với những đồi chè cổ thụ bạt ngàn, những thửa ruộng bậc thang trùng điệp đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích Quốc gia.
09/07/2024
Niềm vui xã về đích Nông thôn mới
BHG - Đồng Tâm là một trong ba xã của huyện Bắc Quang được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) năm 2023; đây là kết quả đáng tự hào sau hơn 10 năm đồng lòng, chung sức nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Về đích NTM đem lại cho người dân niềm phấn khởi, nguồn động lực để không ngừng cố gắng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
08/07/2024
Bứt phá giảm nghèo bền vững
BHG - Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh đã kết tinh nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Qua đó, không chỉ tác động tích cực đến sự phát triển bền vững KT-XH của tỉnh mà còn khẳng định vai trò “trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta.
08/07/2024