Tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm thịt bò vàng

05:42, 17/06/2024

BHG - Hà Giang là vùng đất có lợi thế phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhất là đối với nuôi bò vàng ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ); chất lượng thịt bò vàng được nuôi ở đây có nhiều điểm nổi trội hơn thịt bò nuôi ở các vùng khác như thịt mềm, thơm, có nhiều chất đạm và được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nhằm phát huy, nâng cao giá trị sản phẩm thịt bò vàng Hà Giang, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và xây dựng thành công sản phẩm thịt bò vàng mang thương hiệu riêng biệt, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng với chỉ dẫn địa lý thịt bò vàng Hà Giang. Đây được xem là “cú hích” để phát triển đàn gia súc, giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững.

Gia đình chị Vàng Thị Mỷ, xã Sà Phìn (Đồng Văn) có cuộc sống khá giả hơn từ nuôi bò.
Gia đình chị Vàng Thị Mỷ, xã Sà Phìn (Đồng Văn) có cuộc sống khá giả hơn từ nuôi bò.

Những năm gần đây cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, thu nhập của người dân ngày một nâng cao; kèm theo đó là nhu cầu về thịt thương phẩm trên thị trường tăng mạnh, nhất là loại thịt có hàm lượng dinh dưỡng cao và được chăn nuôi theo hình thức tự nhiên đang được người tiêu dùng rất ưu thích. Xuất phát từ nhu cầu thị trường, người chăn nuôi cũng bắt đầu quan tâm đến những giống gia súc bản địa vốn có khả năng thích nghi cao và chất lượng thịt thơm, ngon. Bò vàng được nuôi tại Hà Giang - địa phương có điều kiện tự nhiên và môi trường rất trong lành, ở độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển; do được nuôi trong điều kiện nguồn thức ăn chủ yếu là cây cỏ tự nhiên và uống từ các suối nguồn và nước mưa của vùng núi nên sản phẩm thịt đảm bảo được chất lượng, không có tồn dư kháng sinh, không có hormone sinh trưởng và đảm bảo vệ sinh an toàn dịch bệnh.

Bò vàng là giống bò được nuôi chủ yếu, chiếm đến 3/4 tổng số bò của tỉnh và được phát triển tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn và 2 huyện vùng cao phía Tây. Tính đến thời điểm đầu năm 2024, 6 huyện có khoảng trên 185.000 con bò vàng.

Nhằm truy xuất nguồn gốc và bảo vệ quyền lợi cho người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đồng thời tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm bò vàng, trong những năm qua, Dự án phân cấp giảm nghèo tỉnh Hà Giang (CPRP) đã hỗ trợ kinh phí để tỉnh lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò vàng Hà Giang. Theo Chỉ dẫn địa lý số 00073 của Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho sản phẩm thịt bò vàng Hà Giang, phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại địa bàn 44 xã thuộc 6 huyện trong tỉnh gồm: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần.

Từ khi được cấp chỉ dẫn địa lý, sản phẩm bò vàng của Hà Giang không ngừng được nâng cao giá trị cũng như tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước. Với giá bán thịt bò tươi bình quân hiện nay từ 350 đến 450 nghìn đồng/kg (tùy loại thịt), có thời điểm trên 600 nghìn đồng/kg (thịt bò khô dao động từ 1.100 - 1.300 đồng/kg), nghề chăn nuôi bò vàng đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo tiền đề thúc đẩy quá trình giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc tại 6 huyện đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò vàng.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho thịt bò vàng Hà Giang góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người chăn, người tham gia chuỗi giá trị. Theo tính toán, tỷ suất lợi nhuận/chi phí của hộ chăn nuôi tăng từ trên 20% lên 31,6%; của thương lái từ 10% tăng lên 13,5%; của các cơ sở giết mổ từ 10% lên 12,1%; hoạt động bán buôn, bán lẻ tăng từ khoảng 12% lên trên 15%.

Người dân, các công ty, doanh nghiệp trên vùng Cao nguyên đá nói riêng, trong tỉnh nói chung cũng cần nắm bắt cơ hội, có chiến lược, kế hoạch đầu tư, mở rộng hơn quy mô chăn nuôi, chế biến sản phẩm thịt bò, tạo ra chuỗi giá trị thịt bò Hà Giang mang thương hiệu mạnh.

Chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho thịt bò vàng Hà Giang có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển kinh tế của tỉnh; giữ gìn, bảo tồn và phát triển giống bò địa phương, đưa sản phẩm thịt bò Hà Giang trở thành sản phẩm tiếp cận được thị trường trong nước và thế giới; tạo “cú hích” thúc đẩy chăn nuôi phát triển, giúp người dân tăng thêm thu nhập, hiện thực hóa mục tiêu làm giầu, giảm nghèo nhanh và bền vững.

 Bài, ảnh: Minh khai


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gieo những mầm xanh trên triền đá Pải Lủng
BHG - Giữa muôn trùng đá xám, những mầm xanh tươi tốt đang vươn mình nảy nở nơi vùng cao Pải Lủng (Mèo Vạc). Đó là những quả ngọt từ việc thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp (CTVT) theo Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Với sự kiên trì, bền bỉ của người dân nơi đây, những vườn rau 4 mùa xanh tốt đã giúp đồng bào dân tộc Mông đổi thay cuộc sống từng ngày.
17/06/2024
Phủ xanh những mảnh vườn tạp
BHG - Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận, hưởng ứng cao của các tầng lớp nhân dân, sau hơn 3 năm thực hiện, Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp (CTVT) đã thực sự đi vào cuộc sống. Những mảnh vườn kém hiệu quả trước đây nay được phủ bởi màu xanh tươi tốt của rau, màu, cây ăn quả, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân; tư duy của bà con về sản xuất nông nghiệp hàng hóa cũng đổi thay đáng kể.
15/06/2024
Chiến sỹ dân quân Vương Minh Xá làm kinh tế giỏi
BHG - Gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm trong luyện tập, tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình - đó là đánh giá của chính quyền địa phương và đồng đội đối với chiến sỹ dân quân Vương Minh Xá, Tiểu đội trưởng dân quân cơ động xã Pả Vi (Mèo Vạc).
15/06/2024
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trạm kiểm soát liên ngành Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy
BHG - Để đảm bảo tiến độ thi công dự án Trạm liên ngành Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Thanh Thủy, đơn vị chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu Kinh tế tỉnh thường xuyên đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ đảm bảo thời gian hoàn thiện đúng như hợp đồng.
15/06/2024