Tạo đòn bẩy giúp người dân nuôi chí làm giàu
BHG - Với sứ mệnh đồng hành, gắn bó với “tam nông”, Phòng giao dịch (PGD) Kim Ngọc thuộc Agribank chi nhánh huyện Bắc Quang luôn hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp, hộ nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững. PGD Kim Ngọc là 1 trong 4 đơn vị trực thuộc Agribank chi nhánh Bắc Quang, có địa bàn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ tương đối rộng, bao gồm 7 xã và 19 đơn vị trường học của huyện Bắc Quang.
Là một trong những khách hàng vay vốn đạt hiệu quả cao, gia đình Lê Văn Bảy, thôn Nặm Mái, xã Kim Ngọc đã phát triển được mô hình kinh tế tổng hợp từ nguồn vốn vay của PGD Kim Ngọc. Năm 2016, gia đình ông Bảy bắt đầu vay ngân hàng để phát triển rừng và xưởng sửa chữa xe máy. Đến năm 2020, nhận thấy trồng cam kém hiệu quả, ông Bảy đã chủ động chuyển đổi sang làm mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm, nuôi ếch và nhiều loại cá. Đến nay, bên cạnh 4 ao ương nuôi ốc nhồi, ông còn nuôi thêm gà và lợn. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm gia đình có thu nhập khoảng 400 – 500 triệu đồng. Ông Bảy cho biết: “Có được mô hình phát triển kinh tế như hiện nay là nhờ sự hỗ trợ, đồng hành tích cực từ nguồn vốn tín dụng của PGD Agribank Kim Ngọc giúp gia đình tôi nâng cao thu nhập”.
Lãnh đạo Phòng giao dịch Kim Ngọc thăm mô hình phát triển kinh tế của ông Lê Văn Bảy, thôn Nặm Mái, xã Kim Ngọc (Bắc Quang). |
Đến hết tháng 5 năm nay, tổng dư nợ cho vay của PGD Kim Ngọc đạt 157 tỷ đồng. Cho vay 974 khách hàng gồm: 495 khách hàng vay tiêu dùng, 380 khách hàng là hộ sản xuất nông nghiệp, 99 hộ sản xuất, kinh doanh; nợ quá hạn luôn ở mức thấp 0,3%/tổng dư nợ; tỷ lệ huy động vốn tăng từ năm 2021 là 34 tỷ đến nay đạt 98 tỷ. Giám đốc PGD Kim Ngọc, Triệu Quốc Việt cho biết: “Để triển khai có hiệu quả nguồn vốn ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ năm 2023 đến nay, PGD đã tiết giảm chi phí, nhiều lần giảm lãi suất huy động đầu vào để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng, giúp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng...”.
Qua đó, giúp cho các mô hình sản xuất tại địa phương được triển khai, nhân rộng như: Mô hình sản xuất ván bóc, nguyên liệu đốt, sản xuất giấy, chăn nuôi trâu, bò, lợn và thủy sản… góp phần vào công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng đất có hiệu quả hơn. Cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng được đẩy mạnh; sản phẩm ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Với phương châm “lấy khách hàng là trung tâm”, thời gian tới PGD Kim Ngọc tiếp tục bám sát diễn biến của nền kinh tế, chủ động cân đối nguồn vốn để tập trung ưu tiên cho vay đối với các chương trình KT-XH trọng tâm của địa phương, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các chính sách tín dụng, chủ động khảo sát, tìm kiếm và đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của khách hàng.
Bài, ảnh: Mai Ánh
Ý kiến bạn đọc