Các chương trình mục tiêu quốc gia:

Nhiều “rào cản” cần tháo gỡ

23:20, 15/06/2024

BHG - Triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) được xem như “cú hích”, tạo động lực phát triển KT – XH ở vùng đất địa đầu Tổ quốc; nhưng trong quá trình triển khai đang cho thấy nhiều “rào cản” cần tháo gỡ kịp thời.

Chỉ rõ “rào cản”

Theo đánh giá của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư và vốn sự nghiệp 3 Chương trình MTQG còn chậm. Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, kế hoạch vốn năm 2024 là trên 2.199 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư trên 2.081 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 117,7 tỷ đồng. Đến ngày 12.5, giải ngân mới đạt trên 369,1 tỷ đồng, đạt 16,8% kế hoạch; trong đó, chương trình xây dựng Nông thôn mới đã giải ngân 44,6/109,8 tỷ đồng, đạt 40,7% kế hoạch; chương trình giảm nghèo bền vững đã giải ngân 85,1/613 tỷ đồng, đạt 13,9% kế hoạch; chương trình phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giải ngân 239,3/1.476 tỷ đồng, đạt 16,2% kế hoạch.

Hệ thống cấp nước mới được đầu tư giúp người dân thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) giảm bớt khó khăn trong mùa khô.
Hệ thống cấp nước mới được đầu tư giúp người dân thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) giảm bớt khó khăn trong mùa khô.

Đến nay, chỉ có 5 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung như Bắc Quang đạt 35,6%; Bắc Mê đạt 28,9%; Quản Bạ đạt 24,2%; Yên Minh đạt 23,3%; thành phố Hà Giang đạt 17,5% kế hoạch. Các huyện còn lại có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung như: Đồng Văn đạt 16,1%; Quang Bình đạt 15,4%; Mèo Vạc đạt 9,3%; Xín Mần đạt 7,8%; Hoàng Su Phì đạt 5,7%. Đối với các sở, ngành, Sở Lao động TB&XH giải ngân đạt 12,5% kế hoạch, các đơn vị còn lại chưa giải ngân.

Về nguồn vốn sự nghiệp, kế hoạch vốn là trên 2.291 tỷ đồng. Tính đến tháng 5, giải ngân đạt 142,4 tỷ đồng, đạt 6,2% kế hoạch. Các đơn vị khối tỉnh, tỷ lệ giải ngân bình quân đạt 4,9% kế hoạch, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình toàn tỉnh. Các huyện, thành phố, tỷ lệ giải ngân bình quân đạt 6,3% kế hoạch, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình toàn tỉnh. Trong đó, huyện Yên Minh tỷ lệ giải ngân đạt cao trên 15%; huyện Bắc Mê, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì có tỷ lệ giải ngân đạt từ 5-10%; còn 7 huyện, thành phố tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Nguyên nhân được xác định là chương trình giảm nghèo bền vững, các công trình chủ yếu chuyển tiếp đang tập trung hoàn ứng khối lượng năm 2023, chưa có khối lượng thanh toán kế hoạch vốn năm 2024. Bộ Lao động TB&XH chậm có văn bản trả lời cụ thể về xây dựng, thiết kế phần mềm hỗ trợ việc làm bền vững để các địa phương triển khai thực hiện dự án đầu tư nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các dự án ổn định dân cư tập trung là dự án có nhiều hạng mục đầu tư nên quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án kéo dài; các huyện chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng dự án, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần nên tiến độ thực hiện còn chậm. Năng lực của các chủ đầu tư, các xã nhiều hạn chế, tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư và giải ngân chậm. Cấp triển khai trực tiếp là cấp xã, thôn phải nghiên cứu và triển khai lượng lớn các quy định, văn bản hướng dẫn trong khi lực lượng cán bộ chuyên môn ít, năng lực hạn chế nên quá trình triển khai còn lúng túng, chậm tiến độ.

Cống thoát lũ đầu nguồn thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) đang được khẩn trương hoàn thiện.
Cống thoát lũ đầu nguồn thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) đang được khẩn trương hoàn thiện.

Đối với vốn sự nghiệp, việc phân bổ vốn chậm; một số xã, đơn vị của huyện chưa nghiên cứu kỹ các văn bản quy định, hướng dẫn về trình tự thực hiện, hồ sơ, chứng từ thanh, quyết toán. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất triển khai chưa đảm bảo về chất lượng hồ sơ; quá trình nghiệm thu không sát với tiêu chuẩn, tiêu chí được phê duyệt. Tình hình phân bổ và giao dự toán tại cấp xã chưa phân định rõ giữa cấp ngân sách và đơn vị sử dụng ngân sách. Đa phần các xã chưa thực hiện tốt công tác lập hồ sơ, quản lý hồ sơ các Chương trình MTQG, một số xã đã lập hồ sơ nhưng chưa đảm bảo…

Nỗ lực tháo gỡ

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG, tỉnh chỉ đạo các địa phương trong quý II cần tập trung triển khai và giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022, năm 2023 chuyển sang thực hiện năm 2024. Các ngành, địa phương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục hồ sơ dự án và lựa chọn nhà thầu đối với Tiểu dự án 2, dự án 10, Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kịp thời đề xuất phương án điều chuyển vốn trong trường hợp không có đối tượng đăng ký hoặc không đủ điều kiện để giải ngân kinh phí theo quy định.

Rà soát, đánh giá lại, xác định lộ trình, đề xuất giải pháp cụ thể và dự báo về khả năng hoàn thành các tiêu chí để đạt mục tiêu xây dựng Nông thôn mới năm 2024. Các cơ quan thường trực Chương trình MTQG của tỉnh tổng hợp phương án đề xuất điều chỉnh nguồn vốn đầu tư không có khả năng thực hiện của từng dự án/tiểu dự án thành phần đối với từng Chương trình MTQG do không còn đối tượng hỗ trợ hoặc không đủ điều kiện để giải ngân. Các sở chuyên ngành phối hợp, hỗ trợ các huyện trong triển khai các thủ tục đầu tư, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các dự án.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Lương Văn Đoàn cho biết: Giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn về giải ngân nguồn vốn sự nghiệp các Chương trình MTQG, tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền huyện khẩn trương rà soát các dự án thành phần có kế hoạch vốn lớn, chậm tiến độ và giải ngân thấp như: Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ nước phân tán, nhà ở; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đúng trình tự, mục tiêu, đối tượng, đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, yêu cầu nghiên cứu kỹ các văn bản quy định của T.Ư, của tỉnh; hướng dẫn của Sở Tài chính về trình tự thực hiện, hồ sơ, chứng từ thanh, quyết toán một số nội dung thuộc nguồn vốn sự nghiệp 3 Chương trình MTQG. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ thẩm định khi thẩm định các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc thẩm quyền.

Mặt khác, chủ động hướng dẫn cụ thể đối với UBND xã và tổ, nhóm cộng đồng trong công tác lập dự án để phù hợp với điều kiện thực tế và theo nhu cầu của các hộ tham gia, đảm bảo triển khai hiệu quả dự án. Rà soát nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình MTQG, xác định cụ thể nguồn vốn không còn đối tượng hỗ trợ. Kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị dự toán và UBND cấp xã trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, đảm bảo hoàn thiện thủ tục, hồ sơ chứng từ theo quy định tài chính và các hướng dẫn; thường xuyên cập nhật các văn bản, chế độ chính sách liên quan để kịp thời triển khai theo đúng quy định; tập huấn, nâng cao năng lực của ban giám sát cộng đồng xã, thôn. Hướng dẫn các huyện xây dựng các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất cộng đồng; đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ các dự án.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nông dân vào vụ thu hoạch lạc
BHG - Thời điểm này, bà con nông dân toàn tỉnh đang bước vào thu hoạch lạc vụ Xuân. Tại các vùng trồng lạc trọng điểm như huyện Bắc Quang, Quang Bình, lạc tươi sau khi thu hoạch được bán ngay cho thương lái tại ruộng, giá lạc vẫn giữ ổn định như năm ngoái, đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với một số loại cây trồng khác.
13/06/2024
Hội nghị đối thoại Hải quan – Doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2024
BHG - Sáng 13.6, tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Vị Xuyên), Cục Hải quan tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại Hải quan – Doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2024. Tham dự có lãnh đạo một số sở, ngành, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu (XNK).
13/06/2024
Hiệu quả từ mô hình trồng bí xanh
BHG - Với việc quan tâm chuyển đổi cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế, thời gian qua, một số hộ dân trên địa bàn thị trấn Nông trường Việt Lâm (Vị Xuyên) đã đưa cây bí xanh vào trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
11/06/2024
Con đường Hạnh Phúc mới của người Hà Giang
BHG - Có thể khẳng định, một trong những khó khăn đặc biệt luôn thách thức đối với mảnh đất, con người Hà Giang bao đời nay, đó là đường giao thông. Vì thế, từ cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, con đường Hạnh Phúc huyền thoại nối Hà Giang với 4 huyện Cao nguyên đá là khởi đầu cho cuộc cách mạng về giao thông của tỉnh. Đó là con đường ý Đảng lòng dân, đáp ứng khát vọng vươn lên của mảnh đất, con người Hà Giang.
11/06/2024